Nga-NATO và 2 cuộc tập trận cùng địa điểm

“Chúng tôi sẽ tiến hành cuộc diễn tập theo như kế hoạch và tôi không mong sự kiện này sẽ gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào” - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói với báo giới ngày 31-10.

Trong khi chỉ huy cấp cao hai bên đều kỳ vọng đảm bảo các lực lượng của họ sẽ duy trì khoảng cách an toàn, song hãng tin Bloomberg nhận định quyết định tổ chức diễn tập phóng tên lửa của Nga gần khu vực NATO tập trận, vốn có thời gian, địa điểm định trước từ nhiều tháng, là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang gia tăng, và cả hai bên đều không có ý định nhượng bộ.

Một tàu chiến của Thụy Điển theo sau một tàu chiến Đan Mạch ở ngoài khơi Na Uy, một phần trong cuộc diễn tập Trident Juncture của NATO hôm 30-10. Ảnh: AFP

Dự kiến kéo dài đến giữa tuần tới, cuộc tập trận mang tên Trident Juncture 18 là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Cuộc tập trận có sự tham gia của 50.000 binh sĩ từ 31 quốc gia, 250 máy bay chiến đấu, 65 tàu và khoảng 10.000 phương tiện khác nhau.

Đô đốc James Foggo của Hải quân Mỹ - tổng chỉ huy tập trận Trident Juncture - phủ nhận cuộc tập trận có mục đích đe dọa Nga. Ông Foggo cho hay mục tiêu của tập trận đơn thuần là “đảm bảo lực lượng NATO được huấn luyện, có thể cùng tác chiến và sẵn sàng đáp trả bất kỳ mối đe dọa từ bất kỳ hướng nào”.

Dù vậy, các quan chức NATO vẫn không ngại công khai một thực tế rằng cuộc tập trận lớn như vậy là hệ quả trực tiếp của mối quan hệ ngày càng xấu đi với Nga, cũng là hệ quả của nhận thức trong các thành viên NATO khi cho rằng sự đối đầu xa hơn với Nga có thể đang diễn ra.

Trực thăng Hà Lan tham gia diễn tập của NATO hôm 30-10. Ảnh: AFP

Xét về những con số, có thể nói NATO không có đối thủ. NATO là liên minh quân sự lớn nhất với khoảng 2,6 triệu quân nhân. Liên minh này cũng sở hữu các kho vũ khí của không dưới 3/5 cường quốc hạt nhân được công nhận của thế giới.

Trong khi đó, Nga dù có rất nhiều vũ khí hạt nhân nhưng chỉ có 1,3 triệu quân nhân và nền kinh tế không lớn hơn một quốc gia thành viên cỡ trung bình của NATO.

Tuy nhiên, trong thập niên qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết dành các nguồn lực lớn để củng cố quân đội. Hiện Nga dành khoảng 4,5% GDP cho các lực lượng vũ trang, cao gấp đôi trung bình của châu Âu và thậm chí cao hơn, xét về GDP, mà Mỹ dành cho lực lượng vũ trang.

Quan trọng hơn, trong hơn 10 năm qua, Tổng thống Putin nhiều lần nói rõ rằng ông sẽ không ngần ngại sử dụng quân đội khi cần thiết. Cuộc chiến Gruzia năm 2008 là một ví dụ.

Tàu hộ vệ lớp Steregushchiy Soobrazitelnyy của Nga trên đường tới Bắc Đại Tây Dương. Ảnh: The Drive

Nga gần đây có nhiều dấu hiệu muốn tăng cường sự hiện diện ở phía Bắc châu Âu. Một phương tiện chiến đấu trên băng tuyết mới, tên lửa đất đối không Tor M2DT dành cho hoạt động ở các vùng Bắc Cực được giới thiệu trong lễ duyệt binh ở Moscow đầu năm nay. Ngoài ra, Nga cũng thành lập một lữ đoàn Bắc Cực mới.

Theo nhận định của Bloomberg, cuộc tập trận Trident Juncture của NATO rõ ràng nhằm gửi thông điệp cho Moscow về quyết tâm bảo vệ các đồng minh ở Bắc Âu, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania.

Thực tế, Thụy Điển và Phần Lan - hai nước không phải thành viên NATO - cũng tham gia cuộc tập trận là tín hiệu khác về sự gia tăng lo ngại của các quốc gia Bắc Âu về ý định của Nga.

Nhưng mục tiêu lớn hơn của NATO là kiểm tra các tuyến cung ứng hậu cần khắp châu Âu. Đó là lý do các nước thành viên ở phía Nam châu Âu cũng tham gia tập trận.

Quyết định của Tổng thống Putin về việc thử tên lửa gần khu vực tập trận của NATO là cách thức Nga báo hiệu không chấp nhận bị đe dọa bởi sự phô diễn lực lượng của phương Tây.

Thêm vào đó, Nga vừa bắt đầu cuộc tập trận quân sự với một số nước láng giềng ở Trung Á mang tên "Indestructible Brotherhood".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm