Nga nổ súng, bắt 3 tàu chiến Ukraine di chuyển gần Crimea

RT dẫn thông tin từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 25-11 xác nhận đã triển khai một số tàu sử dụng vũ khí chặn bắt ba tàu chiến của Ukraine xâm nhập lãnh hải của mình ở Biển Đen bất hợp pháp.

Theo FSB, ba tàu Berdiansk, Nikopol và Yany Kapu của hải quân Ukraine chở theo thủy thủ đoàn đã làm lơ “các yêu cầu phải ngừng lại”, vẫn tiếp tục “có các hoạt động nguy hiểm” và rồi các tàu chiến Nga đã nã súng buộc các tàu này ngừng lại.

Hình ảnh chụp từ màn hình cho thấy tàu biên phòng Don của Nga (phải) cố gắng chặn tàu kéo của hải quân Ukraine (trái) ở Biển Đen ngày 25-11. Ảnh: REUTERS

Hình ảnh chụp từ màn hình cho thấy tàu biên phòng Don của Nga (phải) cố gắng chặn tàu kéo của hải quân Ukraine (trái) ở Biển Đen ngày 25-11. Ảnh: REUTERS

Hai tàu pháo binh bọc thép nhỏ và một tàu kéo của hải quân Ukraine sau đó bị bắt giữ và sẽ được lai kéo về cảng Kerch ở Crimea. Ba thủy thủ Ukraine bị thương đã được phía Nga cấp cứu và tính mạng không bị nguy hiểm.

“Vũ khí đã được sử dụng nhằm chặn các tàu chiến Ukraine. Kết quả, toàn bộ ba tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ trên lãnh hải Liên bang Nga ở Biển Đen” -FSB tuyên bố.

Theo FSB, phía Ukraine biết rõ về các quy định giao thông tàu chiến qua các vùng biển của Nga. Nga đã tiến hành một cuộc điều tra hình sự khả năng Ukraine xâm phạm biên giới Nga.

Một nhân chứng của Reuters cho biết Nga có triển khai ít nhất hai máy bay chiến đấu Su-25 bay giám sát trên đầu. Truyền thông Nga cũng nói Nga có triển khai trực thăng chiến đấu đến khu vực.

Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từng thuộc Ukraine từ năm 2014, Nga xây một cây cầu khổng lồ nối Crimea với phía Nam Nga.

Máy bay chiến đấu của Nga bay trên một cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea ngày 25-11. Ảnh: REUTERS

Máy bay chiến đấu của Nga bay trên một cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea ngày 25-11. Ảnh: REUTERS

Sau sự vụ này cả hai bên Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hải quân Ukraine tuyên bố các tàu của mình không làm gì sai, nói mình đã thông báo trước với phía Nga về kế hoạch di chuyển từ khu nghỉ dưỡng Odessa ở Biển Đen đến cảng Mariupol ở bờ biển phía Bắc biển Azov. Tuyến đường này đi qua eo biển Kerch ngăn cách bán đảo Crimea với đất liền Nga. Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ chuyện đã nhận thông báo của Ukraine.

Ukraine cáo buộc Nga khiêu khích quân sự, đồng thời cho biết có tới sáu thủy thủ nước này bị thương trong vụ việc chứ không phải ba như Nga nói.

Dân Ukraine biểu tình trước đại sứ quán Nga ở Kiev (Ukraine) phản đối chuyện NGa bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine. Ảnh: REUTERS

Dân Ukraine biểu tình trước đại sứ quán Nga ở Kiev (Ukraine) phản đối chuyện Nga bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine. Ảnh: REUTERS

Họp báo sau sự việc, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông đã họp với các lãnh đạo quân sự và an ninh về chuyện này và tuyên bố sẽ ban hành lệnh thiết quân luật. Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine (NSDC) cho biết ủng hộ ban bố lệnh thiết quân luật trong 60 ngày. Đề xuất này đang chờ quốc hội Ukraine phê duyệt.

Tổng thống Poroshenko nói Ukraine không có kế hoạch có bất kỳ hành động hiếu chiến nào một khi lệnh thiết quân luật được ban hành. Ông Poroshenko cũng trấn an dân chúng rằng quyết định ban hành lệnh thiết quân luật không ảnh hưởng đến quyền và tự do của công dân.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko họp với các lãnh đạo quân sự và an ninh ngày 25-11. Ảnh: RT

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (thứ ba từ phải sang) họp với các lãnh đạo quân sự và an ninh ngày 25-11. Ảnh: RT

Ông Poroshenko cho biết đã yêu cầu NATO và EU “phối hợp hành động nhằm bảo vệ Ukraine”.

“Chúng tôi gửi lời đến toàn bộ liên minh quốc tế ủng hộ Ukraine: Chúng ta phải đoàn kết các nỗ lực lại”.

Ông Poroshenko cho biết sẽ bàn các bước đi tiếp theo với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nước đồng minh của Ukraine vào hôm nay (26-11).

NATO đã kêu gọi hai bên kiềm chế đồng thời cho biết ủng hộ Ukraine trong vụ này.

“NATO đang theo dõi chặt diễn biến ở biển Azov và eo biển Kerch. NATO hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bao gồm quyền lưu thông hàng hải trong vùng lãnh hải của mình” - người phát ngôn NATO Oana Lungescu tuyên bố.

Liên minh châu Âu cũng ra tuyên bố kêu gọi cả hai bên kiềm chế, không leo thang căng thẳng, cho biết hy vọng Nga khôi phục tự do lưu thông qua eo biển Kerch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm