Ông Putin cảnh báo hậu quả nếu NATO 'kết thân' với Ukraine

Phát biểu trong cuộc họp với các đại sứ và phái viên Nga tại Moscow ngày 19-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự phản đối gay gắt trước sự bành trướng của NATO về phía Đông, cảnh báo khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu về các hậu quả không lường trước nếu khối này tìm cách siết chặt quan hệ với Ukraine và Georgia, theo Press TV.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp các đại sứ ở Moscow ngày 19-7. Ảnh: REUTERS

Ông Putin cho hay cần thiết phải tái xây dựng niềm tin ở châu Âu, rằng các nỗ lực của NATO xoay quanh việc triển khai binh sĩ và xây dựng căn cứ quân sự gần các mặt trận phía Tây của Nga là không chấp nhận được.

“Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng những bước đi gây hấn như vậy - những bước đi vốn đặt ra đe dọa trực tiếp cho Nga” - ông chủ điện Kremlin nói.

Ông Putin nhấn mạnh: “Những đồng nghiệp của chúng ta, những người đang cố làm trầm trọng thêm tình hình, tìm cách đưa Ukraine hoặc Gruzia vào quỹ đạo quân sự của liên minh, nên suy nghĩ về những hậu quả mà chính sách vô trách nhiệm như vậy có thể gây ra".

Theo ông Putin, chìa khóa để bảo đảm an ninh và sự ổn định tại châu Âu nằm ở việc tăng cường hợp tác và khôi phục lòng tin, “thay vì thành lập thêm các căn cứ quân sự mới và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở gần biên giới Nga như đang diễn ra hiện nay”.

Ông Trump (trái) và ông Putin tại thượng đỉnh ở Helsinki ngày 16-7. Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng “cần có một chương trình nghị sự khác biệt và tích cực hơn nhằm thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm tiếng nói chung”. Ông Putin nói đã thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan hôm 16-7.

Tháng 8-2008 đã bùng nổ một cuộc chiến tranh giữa lực lượng Nga và Gruzia ở khu vực ly khai Nam Ossetia. Sau khi quân đội Nga tấn công các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia rồi sau đó tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia, Moscow vẫn tiếp tục đóng quân ở đó và ủng hộ một khu vực ly khai khác là Abkhazia theo nguyện vọng của người dân địa phương. Nhưng điều này phương Tây lại cho là sự chiếm đóng bất hợp pháp.

Năm 2008, giới lãnh đạo NATO hứa hẹn Ukraine và Gruzia một ngày nào đó sẽ được gia nhập khối. Vấn đề này đã trở thành nguồn cơn giận giữ cho Nga bởi hai nước này đều co chung biên giới với Nga và Moscow lại xem NATO là khối quân sự thù địch.

Các nhà lãnh đạo NATO cũng đã thảo luận các mối quan hệ với Ukraine và Gruzia tại thượng đỉnh NATO ở Brussels hôm 11-7. Các chính trị gia nổi bật ở hai quốc gia đều muốn gia nhập khối liên minh phương Tây song nhận thấy cơ hội trở thành thành viên NATO mong manh bởi sự đóng quân của Nga. Theo luật NATO, các quốc gia có xung đột lãnh thổ không thể gia nhập NATO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm