Theo ông Phan Thanh Phong, nhân viên của Trung tâm thiết bị PCCC (thuộc phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM), quạt điện chính là thủ phạm gây cháy nhiều nhất trong suốt một năm trở lại đây. Hiểm họa gây cháy ẩn dấu trên một chiếc quạt máy thông thường chính là nút điều chỉnh quạt đứng hay quay được gắn ở hộp động cơ quạt.
Những người hàng xóm bàng hoàng nhớ lại vụ cháy thương tâm ở quận 11 khiến ba mẹ con tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố quạt điện. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Nút bật đó lâu ngày nếu không được thay mới sẽ bị rỉ sét, ma sát với các lực xung quanh trở thành điểm gây cháy. Thêm vào đó, chiếc quạt làm bằng chất liệu nhựa sẽ rất dễ bắt lửa và gây cháy lan. Từ điểm cháy ban đầu này, các vật dụng để gần chiếc quạt trở thành vật liệu gây cháy, khiến đám cháy trở nên lớn hơn.
Đơn cử như vụ cháy xảy ra vào tháng 12-2017, trên đường Lạc Long Quân (phường 3, quận 11) khiến ba người trong một nhà tử vong gây xót xa cho nhiều người... Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định là do sự cố quạt điện treo tường tại phòng ngủ của cụ bà sống trong căn nhà gây cháy và cháy lan.
Cụ thể, khu vực giường nằm của một cụ bà trong gia đình có một lõi quạt điện và dây dẫn cháy hết lớp vỏ bọc, là cơ sở để nhận định đây là khu vực xuất phát cháy. Người nhà nạn nhân cho biết do bà cụ lớn tuổi, lẫn nên trong phòng bà cụ không có ổ cắm, người nhà tự tắt bật. Quạt gần như hoạt động 24/24 giờ.
Cảnh sát PCCC đang tiến hành khám nghiệm để điều tra nguyên nhân vụ cháy ở quận 11. Ảnh: H.TÂM
Theo đó, để ngăn ngừa sự cố cháy từ chiếc quạt máy, cần chú ý những điểm sau: Khi thấy quạt quay chậm dần, có tiếng kêu, hay có hiện tượng rò rỉ điện, gia đình phải tra dầu, sửa chữa ngay. Nhiều gia đình thấy quạt quay chậm, lấy tay tạo đà cho quạt quay tiếp rất nguy hiểm. Không được để quạt quay 24/24 giờ, rất dễ xảy ra chạm chập, hư hỏng dẫn tới cháy nổ. Tuyệt đối không để đồ vật dễ cháy nổ như giấy báo, xăng dầu... gần thiết bị điện. Mỗi gia đình nên gắn CB chống giật, chống rò.