Ngại tiêm phòng, trẻ bị viêm não Nhật Bản tăng mạnh

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 130 ca viêm não - không tăng so với các năm trước. Nhưng tỷ lệ trẻ bị viêm não Nhật Bản B lại tăng vọt lên 36 ca - chiếm gần 30%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 8%. Đã có hai trẻ tử vong, trong đó một ca xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản B, một ca có liên quan. Số mắc viêm não Nhật Bản B tập trung chủ yếu ở Hà Nội với 11 ca.

viemnao1-6507-1403752662.jpg

Số trẻ bị viêm não chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Ảnh:Hà An.

Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương bày tỏ lo ngại về sự tăng vọt này. “Hiện là tháng cao điểm của bệnh viêm não trong năm, các diễn biến chưa có gì bất thường nhưng số ca dương tính với viêm não Nhật Bản B lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, cần xem xét lại có phải vì người dân sợ tai biến của tiêm chủng nên không tiêm phòng hay không?”, tiến sĩ Điển nói.

Thị sát tình hình tại viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến coi đây là vấn đề đáng lưu tâm và cần cảnh báo ngay. Bộ trưởng Tiến yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân để chủ động có biện pháp đối phó. Cục Y tế dự phòng cần rà soát công tác tiêm chủng vắcxin viêm não Nhật Bản B để có điều chỉnh nếu cần thiết. Bên cạnh đó, phải thống kê tình hình bệnh trên cả nước để có đánh giá chính xác, từ đó đưa ra cách xử lý kịp thời.

“Việc Hà Nội đông bệnh nhân viêm não Nhật Bản B nhất cũng chưa thể kết luận gì do có thể người bệnh đến Viện Nhi Trung ương nhiều. Nhưng điều lạ là số mắc lại tăng cao, trong khi mọi năm thì không”, Bộ trưởng Tiến nói.

Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, có thể gây ra những biến chứng như suy hô hấp, co giật, viêm phổi... Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.

Đỉnh cao dịch bệnh là tháng 6 và tháng 7. Từ tháng 10 trở đi, mật độ muỗi giảm xuống và dịch kết thúc. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, ngoài ra cha mẹ không nên để trẻ chơi gần bụi rậm, đi ngủ phải mắc màn. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm.

Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm vắcxin mũi một lúc 1 tuổi; mũi hai sau mũi một 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai là một năm.

Theo Phương Trang/VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm