Sáng 28-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật, các đại biểu (ĐB) tập trung vào thảo luận về các giải pháp để ngăn chặn việc bỏ cọc khi trúng đấu giá, đào tạo đấu giá viên…
Cần chấm dứt việc bỏ cọc, gây lũng đoạn thị trường
Dự thảo luật quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với tỉ lệ tối thiểu là 5%, tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Riêng trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì tỉ lệ đặt trước tối thiểu là 10%, đấu giá quyền khai thác khoáng sản xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện căn cứ vào số lượng khối băng tần đăng ký mua…
Ba trường hợp ngoại lệ nêu trên cũng là quy định mới của dự thảo so với Luật Đấu giá tài sản 2016.
Thảo luận tại hội trường, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng quy định như trên là rất cần thiết để tránh lợi dụng tham gia đấu giá nhưng không nhằm mục đích mua được tài sản mà thông đồng với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Nêu thực tiễn có rất nhiều trường hợp người đã trúng đấu giá nhưng chấp nhận bỏ tiền cọc, làm lũng đoạn, gây dư luận xã hội không tốt như vụ Tân Hoàng Minh… ông Hòa cho rằng cần có biện pháp để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên.
Từ đó, vị ĐB Quốc hội Đồng Tháp đề xuất biện pháp như phạt vi phạm hành chính; không cho tham gia đấu giá tài sản các lần sau... để “giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có tiền dư muốn làm thế nào thì làm, làm xáo trộn thị trường”.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng với mức tiền đặt trước được quy định như dự thảo, cộng với nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.
ĐB tỉnh Cà Mau đề xuất để ngăn tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, vì lợi ích cá nhân, thậm chí thao túng, gây rối thì Luật Đấu giá tài sản có thể tham khảo theo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá; có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.
“BLHS cần bổ sung thêm những hành vi vi phạm tương ứng trong đấu giá tài sản để có hình phạt phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian qua” - ông Thanh nói.
Đánh giá một trong những lý do quan trọng dẫn đến hiện tượng bỏ cọc là do số tiền đặt trước chưa đủ lớn để người đấu giá phải suy nghĩ, cân nhắc thiệt hại, tuy nhiên ĐB Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho rằng nếu nâng mức tiền đặt cọc lên cao thì sẽ làm hạn chế người tham gia đấu giá, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.
Do đó, ông Hiếu đề nghị là nên quy định một chế tài phạt hợp đồng, bên cạnh việc mất khoản tiền đặt trước khi tháo chạy sau khi trúng đấu giá. “Tôi thấy có thể nâng lên 30%-50% để phạt hợp đồng đối với những người trúng đấu giá nhưng đã đơn phương hủy hợp đồng để đảm bảo cho việc hoạt động đấu giá được lành mạnh” - ông Hiếu nói.
Có quan điểm khác, ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tranh luận với các ĐB có ý kiến cho rằng phải xử phạt, phạt tù hoặc là cấm đấu giá đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản.
Theo ĐB Thịnh, đấu giá tài sản là quan hệ dân sự nên trong mọi trường hợp phải tôn trọng và bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá, chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác.
Ông Thịnh đề xuất cần điều chỉnh về tiền đặt trước.
“Ý kiến của tôi về tiền đặt trước, tức là khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục thì khi nào giá bắt đầu bước vào đến mức gấp hai lần giá khởi điểm ban đầu thì cho điều chỉnh lại giá và khi nào vòng này lại lặp lại lần nữa thì yêu cầu là phải bổ sung tiền đặt trước” - ĐB Thịnh cho rằng thực hiện như thế thì sẽ phù hợp hơn.
Cũng theo ĐB Thịnh, tiền đặt trước này chỉ quy định đối với tài sản nhà nước đem ra đấu giá, còn các tài sản khác thì chúng ta không nên điều chỉnh.
Luật sư, công chứng viên cũng phải đào tạo nghề đấu giá
Liên quan đến quy định về đấu giá viên, nhiều ĐB bày tỏ quan điểm thống nhất với đề xuất tại dự thảo là bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá với một số đối tượng.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), tờ trình dự thảo luật có nêu một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề. Trong khi đó, đấu giá viên thực hiện chuyên ngành đấu giá có mang dấu vết tài chính, tiền tệ là nhiều nhất, không phải chỉ cần am hiểu luật.
“Tôi không đồng tình việc miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng như luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên có hành nghề từ hai năm trở lên” - ông Hòa nói.
Ông cũng đề nghị các đối tượng này cần phải có đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn chuyên ngành đấu giá viên để mang tính chuyên nghiệp hơn.
Cùng quan điểm, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng đấu giá là một nghề. Chính vì vậy, cần phải được đào tạo bài bản từ kiến thức đến kỹ năng tổ chức đấu giá, từ đó mới có đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp.
Ông cho rằng với một số nghề như luật sư, công chứng viên thừa phát lại, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên… được miễn đào tạo nghề đấu giá là chưa phù hợp với yêu cầu ngày càng tăng của công tác đấu giá.
Ngược lại, ĐB Trần Nhật Minh (Nghệ An) đánh giá quy định tại luật hiện hành về các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá là hết sức chặt chẽ, khá tương thích với các chức danh tư pháp khác như luật sư, công chứng viên được quy định tại Luật Luật sư và Luật Công chứng.
ĐB Minh cho rằng các đối tượng này cơ bản đã đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Đấu giá tài sản và có kinh nghiệm hành nghề liên quan đến lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp, đặc biệt là các thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên...
“Vấn đề then chốt là những người này muốn hành nghề đều phải trải qua một thời gian tập sự hành nghề đấu giá và kỳ kiểm tra tập sự hành nghề đấu giá do Bộ Tư pháp tổ chức, nếu họ vượt qua được kỳ kiểm tra thì họ có đủ điều kiện để tham gia các hoạt động đấu giá với tư cách đấu giá viên là hoàn toàn phù hợp” - ĐB Minh nói và đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề bổ sung chế tài
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết về vấn đề tiền đặt trước, thông lệ quốc tế có những trường hợp không quy định tiền đặt trước.
Dự thảo lần này đã cân nhắc tỉ lệ 5%-20% như hiện hành, có điều chỉnh lên đối với đấu giá quyền sử dụng đất. Còn những điều kiện ràng buộc khác phải tiếp tục xử lý theo pháp luật chuyên ngành.
Ông Long dẫn trường hợp xác định giá khởi điểm đối với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
“Bây giờ chúng ta có Nghị định 10/2023, điều kiện tham gia để đấu giá quyền sử dụng đất để làm các dự án cũng phải theo quy định về pháp luật đất đai, chẳng hạn như có ký quỹ, không vi phạm các quy định về pháp luật đất đai. Tương tự như vậy đối với quyền khai thác khoáng sản hoặc quyền tham gia đấu giá các công trình giao thông” - ông Long nói và cho rằng chúng ta phải nhìn tổng thể, cả từ pháp luật chuyên ngành nữa.
Với những băn khoăn của ĐB về chế tài bỏ cọc, ông Long nói sẽ nghiên cứu theo hướng làm sâu sắc hơn nữa và những gì còn có thể bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành sẽ góp ý để hoàn thiện.
Đồng thời cũng sẽ tính đến những vi phạm về mặt tài chính để xem có quy định thêm về cấm tham gia đấu giá hoặc siết chặt hơn các điều kiện trong quy định của pháp luật chuyên ngành hay không.
“Ban soạn thảo xin phép được tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt xem có bổ sung được các chế tài nào không” - Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.