Thoát khỏi cái nhìn ưu ái của xã hội về các ngân hàng ngoài quốc doanh, các ngân hàng cổ phần đang nỗ lực để khẳng định uy tín đối với khách hàng và đưa mình trở thành những thương hiệu lớn. Hơn ai hết, chính các ngân hàng đang nỗ khẳng định vị trí của mình. Và khách hàng đã trở nên quen thuộc với những tên tuổi của Á Châu, Sacombank, Đông Á, VIB Bank, Techcombank, Nam Á, TMCP Sài Gòn, Habubank...
Năm 2007, trong danh sách những bảng xếp hạng Việt Nam, cái tên Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB Bank) được nhắc đến nhiều lần. VIB Bank được bình chọn là doanh nghiệp lớn đứng thứ 137 trong tổng số 200 doanh nghiệp hàng đầu trong nước do UNDP xếp hạng. Vị trí đó càng được khẳng định khi VIB Bank chiếm vị trí thứ 3 trong tổng số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của VNR500(www.vnr500.com.vn).
Chọn hướng đi đúng, ngân hàng cổ phần ngày càng phát triển mạnh |
Năm 2007 chưa kết thúc nhưng, VIB Bank đã đạt được kết quả kinh doanh hết sức thuyết phục: Lợi nhuận trước thuế ước đạt 450 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2006; tổng tài sản đạt 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 152%; Dư nợ cho vay là 16.000 tỷ đồng, tăng 78,45%;
Huy động vốn thị trường 1 đạt 18.850 tỷ đồng, tăng 92,08%; Vốn điều lệ tăng lên 2.500 tỷ, tăng 67%; Mở thêm 25 đơn vị kinh doanh mới trên toàn quốc, nâng tổng số đơn vị kinh doanh lên con số 82 trên toàn quốc. Kết quả này đưa VIB trở thành một trong những ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất trong khối ngân hàng cổ phần.
Đằng sau những con số ấn tượng về kết quả kinh doanh, VIB Bank đã đầu tư nhiều để mở rộng mạng lưới, xây dựng công nghệ, đưa ra các sản phẩm mới. Nếu như hết năm 2005, VIB Bank mới có có 31 điểm giao dịch nhưng đến hết 2007 con số là khoảng 80.
Con số này có thể còn nhỏ bé so với hàng trăm và hàng ngàn điểm của các ngân hàng quốc doanh nhưng là điều đáng ghi nhận về nỗ lực mở rộng hệ thống mà không dễ ngân hàng cổ phần nào cũng có được. Thế mạnh của ngân hàng Việt Nam là được "đá trên sân nhà" và hơn ai hết, VIB Bank hiểu và đang biến lợi thế này thành sức mạnh cạnh tranh bằng việc phát triển hệ thống phân phối.
Bên cạnh thế mạnh hệ thống, VIB đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ, từ năm 2005, dự án Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 triệu USD, mua Hệ thống chuyển mạch tài chính và quản lý thẻ của CTL (Anh quốc).
Đến nay, hệ thống công nghệ mới đã được ứng dụng đồng loạt trên tất cả các điểm cho phép triển khai hàng loạt các sản phẩm dịch vụ mới như thẻ ghi nợ nội địa Values Connect24; cung cấp dịch vụ Internet Banking & Mobibanking, thẻ tín dụng quốc tế MasterCard; độc lập phát hành thẻ ghi nợ nội địa VIB Values và đến cuối năm nay VIB Bank tự tin khi dự định độc lập phát hành thẻ tín dụng quốc tế MasterCard.
Đầu năm 2007, VIB Bank đã trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của ngành ngân hàng mà còn gây bất ngờ trên toàn thị trường nhân lực Việt Nam khi bổ nhiệm một tổng giám đốc mới, một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ tiềm năng đã từng nhiều năm đảm nhận các chức vụ cao cấp trong ngân hàng nước ngoài như: giám đốc kinh doanh của Credit Lyonnais Việt Nam, giám đốc của Citibank chi nhánh Hà Nội và là giám đốc tài trợ dự án của Citibank trên toàn quốc - ông Hàn Ngọc Vũ.
Lý giải cho quyết định lựa chọn VIB Bank, ông Vũ cho rằng, VIB Bank có được nền tảng vững chắc cho sự phát triển, đấy chính là nền tảng về công nghệ, nền tảng về con người… Dựa trên nền tảng đó, chúng tôi sẽ xây dựng nên một cấu trúc ngân hàng thật hiện đại tương xứng với các ngân hàng của các nền kinh tế phát triển, ông Vũ nói.
Những tên tuổi về ngân hàng như Á Châu, Sacombank, VIB Bank, Techcombank, Nam Á, NHTP CP Sài Gòn, Habubank... đã trở nên rất quen thuộc với khách hàng. (Ảnh: HD, PH, LAD) |
Cũng trong năm 2007, Ngân hàng Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) gây ấn tượng mạnh trên thị trường khi ứng dụng thành công hàng loạt dịch vụ ngân hàng và thanh toán điện tử. Techcombank đã được biết đến là một ngân hàng cổ phần lớn hàng đầu và tiếp tục khẳng định vị trí là một ngân hàng dẫn đầu về công nghệ.
Việc Techcombank được chọn là ngân hàng đầu tiên thực hiện việc kết nối giữa hai hệ thống thẻ của SmartLink và BankNet càng cho thấy niềm tin của chính những ngân hàng đối tác về thế mạnh công nghệ của Techcombank.
Vào tháng 5/2007, Techcombank đã chính thức cho ra mắt dịch vụ internet banking - F@st i-Bank và trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet.
Đây được xem là một bước tiến mới của các ngân hàng Việt Nam trong việc gia tăng cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Với dịch vụ này, khách hàng có thể thực hiện chuyển khoản trực tuyến mà không cần mất công đến các điểm giao dịch như trước đây.
Đến tháng 8/2007, Techcombank đưa vào sử dụng cổng thanh toán điện tử mang tên F@st Vietpay. Đây là giải pháp thanh toán mà Techcombank cung cấp cho các website bán hàng trực tuyến, cho phép các trang web này chấp nhận các giao dịch thanh toán của chủ thẻ. Các khách hàng chỉ cần có thẻ thanh toán quốc tế VISA, Master... có thể thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến trên các trang web bán hàng qua mạng trong nước và quốc tế.
Cùng với đầu tư mạnh cho công nghệ, Techcombank còn được biết đến là ngân hàng bán lẻ có sự đa dạng về sản phẩm. Techcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai các dịch vụ kết hợp giữa ngân hàng và bảo hiểm (bancassurance), só sự đa dạng về các dịch vụ cho vay tiêu dùng và các sản phẩm ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại Techcombank đã có trên 120 điểm giao dịch tại 21 tỉnh, thành trên cả nước.
Tính đến hết tháng 11/2007, Techcombank đạt lợi nhuận 11 tháng đầu năm đạt trên 638 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận trong riêng tháng 11 đạt trên 78 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối tháng 11/2007 đạt 33.290 tỷ đồng (tăng 200% so với tổng tài sản 10.773 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái).
Tổng nguồn vốn huy động đạt 29.740 tỷ đồng, tăng khoảng 1.550 tỷ đồng so với tháng 10/2007, trong đó huy động từ các tổ chức kinh tế tăng mạnh, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với mức tăng khoảng 500 tỷ đồng của huy động từ khu vực dân cư.
Dư nợ tín dụng đạt 17.116 tỷ đồng, tăng khoảng 1.640 tỷ đồng so với tháng 10. Techcombank cũng vừa phát hành thêm 77,3 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 1.700 tỷ đồng lên 2.524 tỷ đồng.
Quy mô và năng lực của Techcombank ngày càng lớn mạnh, việc có mặt trong danh sách 500 DN hàng đầu Việt Nam đã khẳng định điều này. Hơn thế, sự thuyết phục trong hiệu quả kinh doanh, quy môt lớn mạnh, dẫn đầu về công nghệ mà tập đoàn ngân hàng - Tài chính hàng đầu thế giới HSBC đã chọn Techcombank làm đối tác chiến lược ở Việt Nam.
Và 2 cái tên quen thuộc nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam là ACB của Ngân hàng Á Châu và STB của Sacombank. Đây là 2 ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam và cũng là 2 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM và Trung tâm GDCK Hà Nội. Đây cũng là 2 ngân hàng có mạng lưới và kết quả hoạt động kinh doanh nổi trội, có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng thương mại quốc doanh, cũng như các ngân hàng nước ngoài sắp vào Việt Nam.
Trong 11 tháng đầu năm 2007, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank đã đạt 113% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2007 lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt hơn 1.354,5 tỷ đồng, tăng 181% so với cùng kỳ năm 2006 và đạt gần 113% so với kế hoạch năm 2007.
Tổng huy động đạt 47.380 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2006; tổng dư nợ cho vay là 29.820 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2006; và tổng tài sản gần 57.670 tỷ đồng, tăng 147% so với tháng 11 đầu năm 2006.
Ngày 6/12/2007 vừa qua, Sacombank cũng vừa nhận được giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam về cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm 2007”. Giải thưởng này là do Quỹ Phát triển Các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Cộng đồng Châu Âu (SMEDF) bình chọn và trao giải.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp Sacombank được tổ chức SMEDF bình chọn là ngân hàng có thành tích nổi bật trong hoạt động cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện tại dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngân hàng chiếm trên 50% tổng dư nợ cho vay của Sacombank.
Trong khi đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng có kết quả kinh doanh rất tượng. Đặc biệt, gần đây đối tác nước ngoài đã đạt được thoả thuận mua cổ phiếu ACB với mức giá lên tới 200.000 đồng/cp, so với mức giá hiện tại khoảng 160.000-170.000 đồng/cp. Rõ ràng, đây là một con số có thể chứng minh cho hoạt động nổi bật của ngân hàng này. Đây là đánh giá của các tổ chức tài chính nước ngoài đối với khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng của ACB.
Thêm một gương mặt ngân hàng cổ phần quen thuộc với khách hàng là Habubank. Cuối tháng 11/2007, Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) đã được Tạp chí tài chính nổi tiếng thế giới The Banker trao giải “Bank of the year” năm 2007 cho những ngân hàng xuất sắc nhất của các nước trên phạm vi toàn thế giới. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Habubank vinh dự nhận được giải thưởng này.
The Banker (thuộc Tập đoàn Finacial Times) được đánh giá là một tạp chí hàng đầu về tài chính ngân hàng toàn cầu và cung cấp thông tin xếp hạng các ngân hàng. Bank of the year là giải thưởng được coi trọng nhất trong cộng đồng ngân hàng toàn cầu. Để đạt được giải thưởng, bên cạnh các tiêu chí vốn cấp I, tổng tài sản, lợi nhuận ròng, tỷ lệ nợ quá hạn...
The Banker đánh giá cao Habubank ở những đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội Việt Nam thông qua các hoạt động hướng về cộng đồng. Ngoài ra, lý do khiến Habubank vượt qua các ứng viên khác là kết quả kinh doanh trong 3 năm liên tục tăng trưởng tốt với các chỉ tiêu đều tăng từ 30% đến trên 100%, thích ứng với môi trường kinh doanh hội nhập tốt.
Thành lập cách đây 19 năm, những năm trước đây, Habubank chưa hẳn là cái tên nổi tiếng được biết đến nhưng chặng đường 19 năm liền liên tục làm ăn có lãi. 8 năm liền Habubank được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp loại A, Habubank ngày càng nổi lên là một trong những ngân hàng phát triển bền vững.
Và như một sự tất yếu, Habubank ngày càng thuyết phục được khách hàng, đối tác bằng chính uy tín của mình. Điều này chính là cơ sở để ngân hàng đặt mục tiêu "trở thành 1 trong 2 ngân hàng được lựa chọn bởi các doanh nghiệp cầu tiến, hộ gia đình và cá nhân do chất lượng dịch vụ tốt nhất và sáng tạo nhất". Habubank đang hướng tới mục tiêu đã cam kết là trở thành 1 trong 3 ngân hàng được biết đến nhiều nhất Việt Nam.
Ngân hàng Đông Á nổi bật với các dịch vụ về thẻ và máy ATM và các dịch vụ chứng khoán. (Ảnh: LAD) |
Có lẽ, chính sự phát triển bền vững này mà Habubank đã thuyết phục được những nhà lãnh đạo của Deutsche Bank chọn đây là nơi bỏ vốn đầu tư dài hạn trên thị trường Việt Nam.
Tính đến hết tháng 10/2007, vốn điều lệ của Habubank đạt 1.400 tỷ đồng, và đang có kế hoạch tăng lên 2.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Các kết quả kinh doanh khác của Habubank cũng gặt hái được nhiều thành công: Lợi nhuận trước thuế đạt 391 tỷ đồng, đạt 87,87% kế hoạch năm 2007; Tổng huy động đạt 15.832 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra; tổng tài sản đạt 19.357 tỷ đồng, tăng 4,65% so với tháng 9 và đạt 96,78% kế hoạch năm 2007.
Tổng dư nợ đạt 8.784 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2006. Habubank đã thực hiện trích dự phòng hơn 150 tỷ và duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% để đảm bảo cho hoạt động ngân hàng ổn định và đạt hiệu quả cao.
Thị trường tiền tệ - ngân hàng Việt Nam ngày càng cạnh tranh quyết liệt với việc hàng loạt các ngân hàng mới được thành lập, sự xuất hiện nhiều của các ngân hàng nước ngoài, sự đổi mới và tiến lên của các ngân hàng quốc doanh lớn đang gây sức ép cho các ngân hàng cổ phần.
Dẫu biết thị trường Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển nhưng trước khi nắm bắt được cơ hội để kinh doanh thì mỗi ngân hàng phải vượt qua thách thức, chiến thắng trong cạnh tranh để xác lập vị trí của mình trên thị trường.
Những điển hình các ngân hàng trên đây là ví dụ, bằng nhiều cách khác nhau nhưng cùng một quyết tâm vươn lên, xác lập vị thế, khẳng định tên tuổi, VIB Bank, Techcombank, Habubank... đã bước đầu thành công và trở thành những niềm tin của ngân hàng Việt Nam khi bước vào cuộc cạnh tranh quốc tế ngay trên sân nhà.
Theo P.V. (VNN)