Ngân hàng được ‘gác cơ’, dân bị lép vế

Sáng 24-3, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM đã đến lập biên bản kê biên căn nhà duy nhất của ông Trần Seng ở 1135 Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5 (TP.HCM) để đảm bảo việc trả nợ cho Ngân hàng Việt Hoa. Ông Trần Seng đã phản đối quyết liệt, rằng đây là “việc làm không sòng phẳng và không tuân theo pháp luật”…

Ngân hàng nợ dân gấp 10 lần dân nợ ngân hàng

Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự từ năm 1999 của TAND quận 5 (TP.HCM) thì ông Trần Seng phải thanh toán cho Ngân hàng TMCP Việt Hoa 1,8 tỉ đồng. Còn theo hai bản án của TAND TP.HCM (cùng năm 2004) thì Ngân hàng Việt Hoa phải trả cho ông Seng 512 lượng vàng và 2,7 tỉ đồng. (Nếu tính giá vàng 32 triệu đồng/lượng thì số tiền ngân hàng nợ ông Seng gấp hơn 10 lần so với số tiền ông Seng nợ ngân hàng.)

Từ năm 1999, Đội THA quận 5 (nay là Chi cục THADS quận 5) đã ra quyết định THA đối với khoản tiền ông Seng nợ ngân hàng. Năm 2004, Đội THA quận 5 cũng đã hai lần ra quyết định THA đối với số tài sản Việt Hoa nợ ông Seng.

Quá trình giải quyết, ông Seng có thiện chí được THA bằng cách cấn trừ số nợ giữa hai bên. Trong khi đó, Ngân hàng Việt Hoa thì cho biết ngân hàng này “không đủ thẩm quyền, mọi xử lý do Ban Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định”.

Ngày 6-5-2005, Đội THA quận 5 có công văn gửi Ngân hàng Việt Hoa và Ban Kiểm soát đặc biệt NHNN. Công văn này đề nghị Ban Kiểm soát đặc biệt NHNN chỉ đạo Ngân hàng Việt Hoa đồng ý phương án giải quyết nợ giữa ông Seng và ngân hàng: trả lại tiền, vàng và giấy tờ nhà cho ông sau khi cấn trừ nợ.

Tuy nhiên, phía ngân hàng căn cứ vào các công văn của Văn phòng Chính phủ rằng Việt Hoa phải “trả khoản nợ cho vay đặc biệt cho NHNN, sau đó mới xem xét giải quyết cho các chủ nợ khác”. Còn phía ông Seng thì không còn tài sản nào khác ngoài căn nhà đã thế chấp cho ngân hàng này. Việc THA từ đó bế tắc.

Ông Trần Seng trong căn nhà của mình đã bị kê biên để đảm bảo THA cho ngân hàng. Ảnh: PL

Ngân hàng được ưu tiên thi hành án trước

Vụ việc kéo dài, đến tháng 8-2015, Cục THADS TP.HCM rút hồ sơ lên để giải quyết. Giữa ông Seng và ngân hàng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Ông Seng vẫn giữ quan điểm tổ chức THA đồng loạt ba bản án đã có hiệu lực pháp luật, ngay khi ngân hàng trả hai khoản nợ cho ông, ông sẽ tự nguyện trả nợ cho ngân hàng. “Đối với các khoản tiền được THA cho ngân hàng Việt Hoa, tôi đề nghị nộp vào tài khoản của cơ quan THA chứ không nộp vào tài khoản của Việt Hoa tại NHNN” - ông Seng đề nghị.

Ngược lại, đại diện ngân hàng Việt Hoa trình bày: “Hiện nay Việt Hoa đang bị kiểm soát đặc biệt, hoạt động dưới sự giám sát của Ban Kiểm soát đặc biệt NHNN. Việt Hoa cũng đang là người phải thi hành nhiều bản án, quyết định với các chủ nợ khác. Không thể cấn trừ nợ theo yêu cầu vì phải thu hồi hết nợ để trả cho NHNN. Tài sản của ông Seng đã được Việt Hoa dùng tái thế chấp, đảm bảo cho một khoản vay khác của Việt Hoa tại NHNN. Sau khi trả nợ vay cho NHNN liên quan đến các tài sản mà Việt Hoa đang tái thế chấp tại NHNN thì mới có thể trả lại tài sản thế chấp cho ông Seng”.

Đại diện NHNN Chi nhánh TP.HCM và Cục Thanh tra giám sát NHNN tại TP.HCM thì dẫn ra Công văn 4433 ngày 15-6-2015 của Văn phòng Chính phủ và Công văn 2539 ngày 16-7-2015 của Bộ Tư pháp để từ chối yêu cầu của ông Seng. Theo đó, “phải xử lý các tài sản mà Việt Hoa tái thế chấp cho NHNN, thống nhất phương án số tiền thu được, bảo đảm thu hồi tối đa khoản tiền cho vay đặc biệt của NHNN, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”.

Tại các buổi làm việc giữa các bên ở Cục THADS TP.HCM, ông Seng liên tục phản đối việc Việt Hoa vay tiền của NHNN để giải quyết các việc tồn đọng nhưng lại mang tài sản thế chấp của ông để tái thế chấp mà không có sự đồng ý của ông. Ông đề nghị Cục THADS TP.HCM trả lại giấy tờ nhà cho ông (do NHNN đã bàn giao) để ông ổn định cuộc sống. Riêng số tiền Ngân hàng Việt Hoa còn nợ, ông đồng ý để Ngân hàng Việt Hoa từ từ trả cho ông sau khi Ngân hàng Việt Hoa nhận được tiền THA từ các bản án khác.

Tuy nhiên, Cục THADS trả lời ông là sẽ giải quyết việc THA đúng pháp luật. Các yêu cầu khác của ông, Cục đã báo cáo lên trên.

Công văn không có giá trị ràng buộc người dân

Trong trường hợp này, ông Trần Seng có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng Việt Hoa và Việt Hoa cũng có nghĩa vụ trả nợ cho ông Seng. Như vậy, Việt Hoa và ông Seng cùng có nghĩa vụ về tài sản với nhau. Trong khi đó, Việt Hoa nợ ông Seng nhiều hơn ông Seng nợ Việt Hoa. Theo Điều 374, 380 và 381 BLDS thì nghĩa vụ của ông Seng đối với Việt Hoa chấm dứt sau khi đối trừ, còn Việt Hoa thì phải thanh toán cho ông Seng phần chênh lệch.

Ở đây, có phán quyết của tòa đã có hiệu lực thì cần căn cứ vào đó và căn cứ vào Luật THADS cũng như những văn bản liên quan đến THA để thi hành. THA là thi hành phán quyết của tòa về quyền và nghĩa vụ giữa ông Seng và Việt Hoa. NHNN không liên quan, nếu có thì đó là quan hệ khác giữa NHNN và Việt Hoa. Các văn bản của NHNN và các cơ quan khác chỉ ràng buộc đối với Việt Hoa chứ không được đối kháng đối với ông Seng, không được gây bất lợi cho bên thứ ba.

Không có quy định nào đứng trên Luật THADS để buộc ông Seng phải ưu tiên trả nợ cho Việt Hoa trước. Đó là chưa nói người dân là bên yếu thế, cần được ưu tiên thi hành, Nhà nước là bên mạnh thế, không thể đi giành với dân. Hơn nữa, việc dùng tài sản của ông Seng đã thế chấp để “tái thế chấp” cũng có dấu hiệu trái luật. Trong mọi trường hợp, thế chấp tài sản phải vận dụng BLDS hiện hành và Nghị định 163/2006, Nghị định 11/2012 cùng các văn bản liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN,
khoa Luật dân sự - ĐH Luật TP.HCM

Phải thực hiện theo Luật Thi hành án

Trường hợp này, việc khấu trừ nợ là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Theo khoản 5 Điều 374 BLDS 2005 về “Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự” thì một trong các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ là “Nghĩa vụ được bù trừ”. Xét cả về tình và lý thì trường hợp này nghĩa vụ trả nợ của ông Seng đối với Việt Hoa phải được chấm dứt.

Ngoài ra, Việt Hoa không bị tuyên bố phá sản theo Luật Phá sản, do vậy ngân hàng này và các cơ quan tiến hành việc giải thể phải có trách nhiệm thanh toán đủ số nợ còn lại cho ông Seng.

Về quy định của Luật Các tổ chức tín dụng “Khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả trước tất cả khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng” trong trường hợp này không có giá trị thi hành vì hai lý do sau:

Thứ nhất, nó không đương nhiên được thực hiện quyền ưu tiên nếu như không có bản án, quyết định phân xử của tòa. Trường hợp này cũng tương tự quy định dành quyền ưu tiên thanh toán đối với bên nhận thế chấp hay thanh toán tiền lương cho người lao động của doanh nghiệp bị phá sản nhưng vẫn phải dựa trên phán quyết của tòa.

Thứ hai, trong trường hợp đã có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên nghĩa vụ trả nợ của Việt Hoa cho ông Seng và ngược lại thì buộc phải thực hiện theo Luật THADS mà không cần phải quan tâm đến quy định khác của pháp luật.

Chuyên gia ngân hàng - luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC,
Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, VIAC

Vụ việc của tôi đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Còn các giao dịch giữa NHNN và Việt Hoa chưa được giải quyết bằng bản án nào. Do đó, NHNN hoàn toàn không liên quan trong việc THA và cũng không được quyền yêu cầu ưu tiên thanh toán các khoản nợ theo Điều 47 Luật THADS. Dùng công văn của Văn phòng Chính phủ để buộc tôi có nghĩa vụ, bỏ quên quyền của tôi là trái pháp luật và không sòng phẳng.

Ông TRẦN SENG 1135 Trần Hưng Đạo,
phường 5, quận 5 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm