VietinBank và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền vừa ký kết hợp tác chiến lược.
Theo đó, ngân hàng này sẽ tài trợ cho các dự án, bảo lãnh cho các nhà thầu thi công, cung cấp dịch vụ tài chính ưu đãi cho khách hàng mua nhà.
Gần 360.000 tỉ đổ vào bất động sản
Không chỉ VietinBank mà hàng loạt ngân hàng khác như BIDV, Sacombank, HDbank… cũng “kết hôn” cùng các công ty địa ốc trong việc bảo lãnh dự án, tài trợ cho các dự án của các doanh nghiệp (DN) và tài trợ cho khách hàng mua trên chính dự án đó.
Tính đến cuối tháng 9 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố danh sách 38 ngân hàng có đủ điều kiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Điều này vừa đảm bảo tiến độ cho dự án địa ốc và người mua nhà cũng có thể yên tâm sẽ không còn tình trạng dự án chậm trễ, phải chờ dài cổ mới nhận được nhà như những năm trước.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cũng vừa công bố báo cáo cho hay tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh lĩnh vực này trong chín tháng đầu năm nay đạt 14,59%, cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS tính đến tháng 9-2015 ước khoảng 358.377 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết thêm: “Hiện nay dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS khoảng 12,7%. Nhìn chung tỉ lệ tăng trưởng của lĩnh vực này từ đầu năm đến nay khá đều so với các lĩnh vực khác nhưng không tăng đột biến. Tuy nhiên, tính trên con số tuyệt đối thì lượng tiền đổ vào lĩnh vực này lên tới khoảng 20.000 tỉ đồng. Đây là con số không nhỏ” - ông Minh cho hay.
Chương trình tư vấn giữa Vietcombank, chủ đầu tư dự án và khách hàng mua nhà ở. Ảnh: HTD
Liệu có rủi ro?
Mức tăng trưởng tín dụng từ lĩnh vực địa ốc như trên liệu có tạo nợ xấu, tạo ra bong bóng nhà, đất như những năm trước đây?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng dòng vốn đi vào sản xuất, kinh doanh là chính, chiếm trên 80% nên không đáng lo ngại.
Ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính, nhìn nhận không lo ngại về việc xảy ra nợ xấu BĐS như những năm trước. Lý do là trước đây chỉ cần có giấy phép dự án, DN đem tới ngân hàng là được vay. Còn bây giờ nhiều dự án triển khai rồi mới đi vay và bản thân ngân hàng thẩm định khá chặt chẽ.
Nhiều công ty địa ốc cũng có quan điểm tương tự. Tuy vậy, một số chuyên gia lại cảnh báo vốn ngân hàng đổ mạnh vào BĐS tiềm ẩn nguy cơ tạo ra nợ xấu.
Trước lo ngại trên và để giảm thiểu rủi ro, Chính phủ đã yêu cầu NHNN phải giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, dự án thu hồi vốn thời gian dài… NHNN cũng đã yêu cầu tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này. Chẳng hạn như hạn chế cho vay đối với các dự án tiềm ẩn rủi ro hoặc có mục đích đầu cơ.
Thêm hàng loạt dự án bất động sản Theo nghiên cứu của Công ty CBRE, nếu như tổng số căn hộ bán được cả năm 2010 của TP.HCM là 13.700 căn thì chỉ tính đến quý III-2015 đã có tới 24.000 căn hộ được tiêu thụ. Hàng loạt công ty địa ốc cho biết sắp tới sẽ tung ra nhiều dự án mới. Riêng khu vực quận Tân Phú (TP.HCM) hiện nay đã có khoảng 28 DN địa ốc đang có dự án. Trong đó có 13 dự án đã hoàn thành (như Sacomreal, Âu Cơ Tower, Mbbay) và 11 dự án đang triển khai có giá dao động 14-25 triệu đồng/m2 như Topaza Garden, Idico Tân Phú, 8X Đầm Sen của Hưng Thịnh… |