|
Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2015 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sai phạm thuế: Ngoài Metro còn có Honda
Khánh Huyền (Trung tâm tin tức VTV 24):Vừa qua Bộ Tài chính đã xử lý sai phạm thuế Metro Việt Nam, có thông tin cho biết cơ quan Thuế vừa kiểm tra Honda Việt Nam và phát hiện ra sai phạm. Xin hỏi Bộ Tài chính, nguồn tin đúng không, nếu đúng, xin cho biết rõ hơn những sai phạm và hướng xử lý với công ty này?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn:Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong đó có Honda. Hiện nay đã xử lý, yêu cầu truy thu, nộp phạt 182 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn khoản khá lớn DN chưa thực hiện, chưa chấp hành. Vì vậy chúng tôi đang có biện pháp xử lý nghiêm minh đúng pháp luật với trường hợp này.
Vụ ô nhiễm tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2: Có trách nhiệm của EVN
PV Hải Vân (Tạp chí Năng lượng):Giải pháp khắc phục sự cố ảnh hưởng đến môi trường ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã được Phó Thủ tướng chỉ đạo và được Bộ Công Thương, EVN xử lý. Xin Bộ Công Thương và EVN cho biết giải pháp trước mắt là di dời nhưng về lâu dài sẽ xử lý như thế nào? Được biết hiện nay vấn đề than xỉ vẫn là vấn đề nan giải của các nhà máy, ở phía Bắc chỉ có Nhà máy nhiệt điện Phả Lại là bán được than xỉ còn các nhà máy khác hầu như không bán được. Vấn đề này có được đưa ra để giải quyết trong thời gian tới hay không? Vụ việc mất phóng xạ tại nhà máy thép Pomina 3, tại sao đến bây giờ chúng ta mới nói đến chế tài xử lý với phóng xạ? Các cơ quan quản lý nói gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:Vụ việc liên quan đến môi trường trong việc xây dựng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Nguyên nhân xuất phát có trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như BQL dự án nhà máy. Nguyên nhân lớn nhất là do không thực hiện đúng thiết kế kĩ thuật về khâu xử lý môi trường, có sự sai phạm và thay đổi so với thiết kế ban đầu, do đó dẫn đến việc vận chuyển xỉ than gây ô nhiễm trên địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ngay sau khi sự việc xảy ra Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã có chỉ đạo ngay lập tức cho EVN để xử lý vấn đề. Trước mắt phải khắc phục ngay bằng các biện pháp, cụ: Thứ nhất là phải quây, che khu chứa xỉ để tránh không có phát tán ảnh hưởng ra môi trường; thứ hai là tưới nước đảm bảo không phát tán bụi của xỉ than; thứ ba là dừng lại không cho vận chuyển và đổ xỉ than ra bãi đó nữa và tập kết ở các bãi bên trong nhà máy. Đồng thời, nhà máy đã thực hiện và đến 30/5 sẽ hoàn thành xây dựng đường vận chuyển riêng trong nhà máy, không sử dụng đường dân sinh và những đường trong hệ thống bên ngoài. Trước mắt đã cho gia cố lại hệ thống đường, rải đá dọc đường đảm bảo không có bụi và đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Chúng tôi cũng được biết rằng ngày hôm qua đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đến kiểm tra trực tiếp nhà máy và xác nhận về các biện pháp của BQL nhà máy và EVN. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo EVN kiểm tra lại quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nhà máy, đặc biệt liên quan đến thiết kế phần xử lý môi trường, xem xét đánh giá và làm rõ trách nhiệm, có biện pháp kỉ luật với các cá nhân tương xứng hành vi vi phạm. Đồng thời cũng có biện pháp đánh giá lại, tổ chức thực hiện theo đúng thiết kế ban đầu, đảm bảo về môi trường cho nhà máy. Bên cạnh đó cần rút kinh nghiệm chung của các dự án khác thuộc phạm vi quản lý của EVN cũng như của Bộ Công Thương cũng như tất cả các dự án nói chung.
Liên quan đến phóng xạ bị thất lạc tại nhà máy thép, Bộ Công Thương không có chức năng quản lý trực tiếp trong phát phóng xạ. Tuy nhiên từ góc độ vụ việc xảy ra, rõ ràng trên thực tế trách nhiệm đầu tiên là của nhà máy, đơn vị có liên quan đến chất phóng xạ, đã không thực hiện nghiêm những quy định theo pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định chuyên ngành trong lĩnh vực đó. Cụ thể, nếu nói về những quy định pháp lý, đều đã có văn bản pháp lý quy định việc đăng ký cũng như kiểm tra, giám sát các thiết bị phóng xạ trong các khu công nghiệp cũng như các cơ sở về năng lượng và cơ sở của ngành công nghiệp thép. Tuy nhiên, có sự buông lỏng của các đơn vị quản lý cũng như của các cơ quan chức năng ở địa phương dù đã có sự phân cấp quản lý chi tiết và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta đã bị động trong thời gian vừa qua dẫn đến nguồn phóng xạ của thiết bị thất lạc, gây nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.
Về vấn đề này, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành xem xét trách nhiệm và xem xét điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung và đảm bảo hơn nữa quản lý của Nhà nước, đặc biệt với các loại trang thiết bị đặc thù này.
Mua Ngân hàng Đại Dương giá 0 đồng: Vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi
PV Ngọc Lan (Thời báo Kinh tế Sài Gòn):Đề nghị Ngân hàng Nhà nước nói cụ thể hơn về trường hợp mua lại Ngân hàng Ocean Bank với giá 0 đồng? Đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cụ thể hơn về Đề án phát hành trái phiếu ra thị trường mà hôm nay trong phiên họp Chính phủ đã đề cập.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: NHNN đã có thông cáo báo chí về việc quyết định mua lại ngân hàng với giá 0 đồng.
Cụ thể, căn cứ quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank.
Thực tế, thời gian qua, OceanBank là ngân hàng yếu kém đã bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt cần tái cơ cấu. Vì quá trình hoạt động, có hiện tượng thất thoát vốn, khiến vốn thực có giảm thấp hơn vốn điều lệ. Tại Đại hội cổ đông, các cổ đông đã không nhất trí góp thêm vốn.
Do đó, NHNN đã mua Ocean Bank với giá 0 đồng trở thành chủ sở hữu ngân hàng này, qua đó chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.
Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia quản trị, điều hành Ocean Bank. NHNN khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Đại Dương sẽ được đảm bảo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn:Hôm nay Bộ Tài chính xin ý kiến phát hành Trái phiếu ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đầu tiên là huy động vốn cho nền kinh tế để tái cơ cấu nợ. Thay các khoản vay với thời gian ngắn lãi cao bằng khoản vay có lãi suất hợp lý với thời gian dài hơn, trên cơ sở hệ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn trước. Thứ hai, sẽ huy động vốn hợp lý, thời gian dài cho các dự án trọng điểm quốc gia, chuẩn bị cho mục tiêu thay dần các nguồn vay ưu đãi ODA, vì khi ta bước sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp, thì phải tính đến thay nguồn vốn ODA bằng các nguồn vốn phù hợp hơn.
Vay nợ phải dựa trên nguyên tắc không vượt qua trần nợ công (65% GDP), đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế, không bị ràng buộc các điều kiện sử dụng, đồng thời đảm bảo nguyên tắc an toàn an ninh kinh tế, quản lý rủi ro các dự án trọng điểm.
Bộ Tài chính đã trình chủ trương, trên cơ sở đó, xây dựng đề án, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành , địa phương…, sau đó, sẽ phải trình Quốc hội thông qua mới có căn cứ pháp lý để thực hiện.