Ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

(PLO)- Ngân hàng Nhà nước công bố tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tháng đầu năm 2024 giảm 0,6%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đó, ngày 20-2, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông tin tính đến ngày 31-1, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6%. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Cầu tín dụng giảm do chế, chính sách?

Về nội dung trên, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho biết tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 1 của Vietcombank là 1,24 triệu tỉ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỉ đồng, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỉ đồng.

Tương tự Vietcombank, đại diện BIDV cho biết dư nợ tín dụng của ngân hàng này cũng giảm 1,25% so với cuối năm trước, tương đương khoảng 25.000 tỉ đồng. Và “mức giảm này thường thấy những năm gần đây” - đại diện BIDV nhận định.

CEO Agribank Phạm Toàn Vượng cho rằng vấn đề tăng trưởng tín dụng hiện tại phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp (DN). Về chính sách vốn đối với nền kinh tế, “chưa khi nào khách hàng vay vốn có điều kiện thuận lợi như bây giờ” - tổng giám đốc Agribank khẳng định.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng 1-2024 là do “tình trạng chung những năm gần đây”.

ngân hàng.jpeg
Khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới đã trực tiếp tác động đến cầu tín dụng trong nước. Ảnh: MINH TRÚC

Theo ông Tú, vào đầu năm DN thường không vay nợ, thêm vào đó, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế khiến các DN gặp khó khăn trong hấp thụ vốn, đặc biệt là vay tiêu dùng.

Những khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới khiến đầu ra của DN tiếp tục gặp khó. Điều này trực tiếp tác động đến cầu tín dụng trong nước, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết thêm.

Về phía ngân hàng, người đứng đầu Agribank nhận định nguyên nhân khiến tăng trưởng ở cả mảng tín dụng bán lẻ và tín dụng bán buôn đều suy giảm do tình hình kinh tế, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thu nhập của người dân giảm.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết trong năm 2024, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng.

Khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng để đạt mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Tiếp tục cùng với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, dư nợ cho vay giảm một phần do khách hàng chuyển ngân hàng vay, bởi những cạnh tranh về lãi suất, chính sách đang diễn ra rất quyết liệt.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết thời gian tới ngân hàng này sẽ tiếp tục áp dụng cho vay với lãi suất thấp so với mặt bằng chung của thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh toàn hệ thống ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm hỗ trợ người dân, DN.

Về vấn đề giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2024, mặc dù có khởi sắc nhưng thị trường bất động sản, trái phiếu và các lĩnh vực ưu tiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Vì vậy, ngân hàng phải tiếp tục thực hiện các giải pháp giải quyết khó khăn cho người dân, DN, đặc biệt là tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

w-P11-ThongdocNHNN.jpg
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh toàn hệ thống ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: MINH TRÚC

Theo đó, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024, nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, DN, phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.

Đồng thời, triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các ngành hàng thiết yếu của nền kinh tế.

“Năm nay, các TCTD phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, DN” - thống đốc nói.

Tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế

Cuối tháng 11-2023, Thủ tướng yêu cầu NHNN rút kinh nghiệm từ việc điều hành tín dụng chậm trong năm 2022.

Cụ thể, việc điều hành cần kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Sau khi Thủ tướng nhiều lần có các công điện về việc đẩy vốn ra nền kinh tế, ngay từ đầu năm nay, NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng với định hướng tăng trưởng cả hệ thống năm 2024 là 15%.

NHNN cũng chủ động thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.

Việc cấp chỉ tiêu và chủ động điều chỉnh hạn mức (room) cho từng ngân hàng được NHNN thực hiện dựa trên xếp loại sức khỏe các ngân hàng, mà không yêu cầu gửi đề nghị cấp thêm. Do đó, các TCTD có thể chủ động đề ra kế hoạch kinh doanh, điều hành.

Đầu tháng 2-2024, khi kết quả tăng trưởng tín dụng thấp, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng phải đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng. Cơ quan điều hành cũng yêu cầu tăng trưởng phải đúng, trúng mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế.

Đồng thời, các ngân hàng phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Về định hướng, giải pháp điều hành hoạt động tín dụng năm 2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh năm nay, các TCTD phải có đánh giá đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế, giảm lãi suất cho vay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm