Một chính phủ lâm thời sẽ được bộ nhiệm vào ngày 6-8. Chính phủ này sẽ thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt đất nước cho đến ngày bầu cử trước thời hạn mà các đảng đã thống nhất, sẽ diễn ra vào ngày 5-10. Reuters cho biết tuyên bố này được đưa ra sau khi hai ngân hàng lớn của Bulgari sụp đổ, cho thấy sự bế tắc trong chính sách phát triển kinh tế của nước này.
Tổng thống Plevneliev cho biết các thiết chế nhà nước và các chính đảng vẫn sử dụng nhiều biện pháp giữ ổn định cho hệ thống ngân hàng của đất nước, do đó người dân có thể an tâm về khoản tiền gửi của họ tại ngân hàng.
Nhiều người dân hoang mang khi ngân hàng sụp đổ. Ảnh: Economica
Bulgaria vốn là quốc gia nghèo nhất trong các nước thuộc Liên minh châu Âu. Các cử tri không hài lòng vì sự bất lực của chính phủ trong việc bài trừ tham nhũng, bổ nhiệm quan chức không có thực lực.
Trong những năm gần đây, cũng như nhiều quốc gia khác, Bulgaria rơi vào khủng hoảng kinh tế. Sau nhiều nỗ lực thay đổi đường lối, thậm chí “cho nghỉ” tập thể cả chính phủ do cựu thủ tướng Boyko Borisov đứng đầu hồi tháng 2 năm ngoái, tình hình cũng không mấy khả quan. Kinh tế Bulgaria chỉ tăng trưởng rất thấp trong thời gian qua.
Khách hàng của Corpbank bên ngoài trụ sở ngân hàng này ở Sofia. Ảnh: Economica
Theo Hiến pháp của Bulgaria, sau khi Nội các từ chức, Tổng thống sẽ ủy thác cho đảng cầm quyền thành lập Nội các mới. Nếu trong vòng 7 ngày, đảng cầm quyền vẫn chưa thành lập được nội các thì sẽ do đảng lớn thứ hai đứng ra thành lập nội các. Nếu vẫn không thành lập được nội các thì Tổng thống sẽ giao cho một đảng đối lập khác thành lập Nội các. Còn nếu không thành công nữa thì Tổng thống sẽ giải tán Quốc hội, thành lập một chính phủ lâm thời đồng thời xác định một ngày Tổng tuyển cử trước thời hạn.
An Khương