Ngân hàng thêm áp lực khi Mỹ, châu Âu tăng lãi suất

(PLO)- Việc các ngân hàng trung ương như Fed và ECB tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây áp lực thế nào lên thị trường tài chính?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25%, mở rộng biên độ lãi suất tại Mỹ lên 4,75%, theo hãng tin Reuters. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước tăng lãi suất thêm 0,5% và nâng tổng mức lãi suất lên 3,5%.

Nhiều chuyên gia lo rằng động thái tăng lãi suất của Fed và ECB sẽ gây thêm áp lực lên thị trường tài chính vốn đang khó khăn sau vụ sụp đổ của ba ngân hàng tại Mỹ (Silicon Valley Bank, Silvergate Bank và Signature Bank) và Ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ.

Bài toán lạm phát và ổn định thị trường tài chính

Đây là lần thứ hai Fed tăng lãi suất ở mức tăng thấp 0,25%, sau lần tăng gần nhất hồi tháng 2. Trong thông báo tăng lãi suất ngày 22-3, Fed nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục kìm lạm phát, sớm đưa lạm phát tại Mỹ về mức ổn định (2%).

“Tôi nghĩ ông ta là một người nguy hiểm ở vị trí công việc này” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định với CNN về Chủ tịch Fed Jerome Powell sau quyết định tăng lãi suất của Fed vào ngày 22-3, lo rằng cách làm của ông Powell có nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Dù có xu hướng giảm những tháng gần đây, song lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao (so với cùng kỳ năm 2022, lạm phát trong tháng 2 là 6%, tăng 0,4% so với mức lạm phát của tháng 1). Nguyên nhân do chi phí tiêu dùng cho thực phẩm, nhà ở, vận chuyển, dịch vụ vẫn cao và chưa có dấu hiệu giảm, theo tờ The New York Times.

Tình hình lạm phát ở châu Âu kém lạc quan hơn. Tỉ lệ lạm phát của châu Âu trong tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái là 8,5%, giảm 0,7% so với tháng 1, theo đài CNBC.

Fed và ECB đều thừa nhận việc tăng lãi suất trong thời điểm này có khả năng tăng thêm áp lực cho thị trường tài chính, đặc biệt sau các vụ sụp đổ nhiều ngân hàng tại Mỹ và châu Âu gần đây.

Tờ The Wall Street Journal đưa nhận định nhiều chuyên gia rằng lãi suất cao sẽ làm giảm sự tín nhiệm và khả năng vay vốn của các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính. Khi lãi suất tăng, chi phí lãi vay tăng lên, ảnh hưởng tới công tác cho vay, làm giảm số lượng khách hàng vay.

Ngoài ra, việc tăng lãi suất cũng có thể làm giảm giá trị của các tài sản tài chính, bao gồm các loại chứng khoán và trái phiếu trên thị trường. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất cao hơn cho các khoản vay của mình. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty, khiến giá cổ phiếu và trái phiếu giảm, ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của các khoản đầu tư.

186 ngân hàng Mỹ có nguy cơ “suy giảm” số tiền gửi được bảo hiểm với tổng giá trị 300 tỉ USD. Ảnh: GETTY IMAGES

186 ngân hàng Mỹ có nguy cơ “suy giảm” số tiền gửi được bảo hiểm với tổng giá trị 300 tỉ USD.

Ảnh: GETTY IMAGES

Fed, ECB cam kết bảo vệ các ngân hàng

Sau vụ khủng hoảng một số ngân hàng của Mỹ và Thụy Sĩ, giới chuyên gia hy vọng các ngân hàng trung ương tính toán kỹ hơn khi quyết định tăng lãi suất. Bởi nếu duy trì chính sách tăng lãi suất trong thời gian dài sẽ có nguy cơ gây bất ổn thị trường tài chính. Điều này gây áp lực lên các ngân hàng trung ương khi vừa phải tính toán để cân bằng nhiệm vụ chống lạm phát, vừa phải duy trì sự ổn định cho thị trường tài chính, theo Reuters.

Ngày 22-3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley đòi hỏi các ngân hàng trung ương cần tính toán kỹ lưỡng chu kỳ tăng lãi suất, kiểm tra tốc độ tiền gửi bị rút khỏi ngân hàng, siết chặt các quy định về bảo hiểm tiền gửi để tránh lặp lại trường hợp đáng tiếc tương tự.

Fed và ECB đều đảm bảo việc tăng lãi suất sẽ không dẫn tới các viễn cảnh trên, sẽ rút bài học từ vụ khủng hoảng các ngân hàng, không để xảy ra sự kiện tương tự. Hai cơ quan này cam kết sẽ sử dụng toàn bộ công cụ để bảo vệ hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu.

Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, ngày 22-3, Fed đang ở chế độ “chờ xem” tác động từ việc thắt chặt các tiêu chuẩn tín dụng đối với nền kinh tế và lạm phát. Ông Powell đã hơn một lần nói rằng các nhà hoạch định chính sách Fed không biết chắc tình hình vài tháng tới sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, theo thông tin từ CNBC, sau cuộc họp chính sách ngày 22-3, có 10/18 nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán tới cuối năm thì Fed mới có đợt tăng lãi suất nữa, với mức tăng 0,25%.

Còn tại châu Âu, ngoài đợt tăng lãi suất 0,5% tuần trước, giới quan sát cho biết nhiều khả năng ECB sẽ vẫn tiếp tục chính sách này thời gian tới nhưng không đưa ra dự đoán mức tăng.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ECB sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ của mình cho tới khi nhận thấy tín hiệu kinh tế châu Âu dần phục hồi. Tuy nhiên, ECB sẽ thận trọng trong việc tăng lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế châu Âu vẫn đang khó khăn từ đại dịch COVID-19.•

Thăm dò: Niềm tin của người dân Mỹ vào hệ thống
ngân hàng giảm mạnh

Các vụ sụp đổ gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến không chỉ các nhà đầu tư mà cả người Mỹ lo lắng. Theo thăm dò do hãng tin AP và Trường ĐH Chicago (NORC) thực hiện với 1.081 người Mỹ trưởng thành từ ngày 16 đến 20-3, mức độ tin tưởng cao của người Mỹ vào các ngân hàng và tổ chức tài chính thời điểm này chỉ còn 10%, giảm từ 22% vào năm 2020; 57% tin tưởng chút ít; 31% hầu như không tin tưởng.

Phần lớn người Mỹ nhận xét chính phủ không làm đủ để điều tiết ngành: 56% đánh giá chính phủ không làm đủ để quản lý các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác; 27% đồng ý rằng chính phủ đang làm đúng mức; 15% nói rằng chính phủ điều chỉnh quá nhiều.

Thăm dò cũng cho thấy cả hai đảng chính trị lớn của Mỹ chia sẻ mối lo ngại về quy định dưới mức là của cả hai đảng: 63% đảng viên Dân chủ cho rằng quy định ngân hàng hiện tại là không đủ, 51% đảng viên Cộng hòa cũng vậy.

THIÊN ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm