Ngân sách đâu 'nuôi' người bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Sáng 11-9, tiếp tục phiên họp thứ 48, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: HẢI NINH

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay dự thảo Luật quy định các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được sắp xếp, bố trí thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Lực lượng này được bố trí thành Tổ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.

Đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn, tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã.

Đồng thời tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng ở các địa bàn cơ sở hiện có nhiều mô hình tự quản tham gia vào hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở như Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; Hiệp sỹ đường phố; Tổ tự quản an ninh trật tự…

MTTQ Việt Nam cũng đang xây dựng đề án về thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, tổ dân phố trong đó có một số mô hình do chính quyền địa phương thành lập khá tương đồng với lực lượng trong dự thảo luật. 

“Những mô hình tự quản tham gia bảo vệ an ninh trật tự như vậy cần có tổng kết, đánh giá chung khi xây dựng luật này để có đề xuất mang tính tổng thể, bố trí lại lực lượng theo hướng bảo đảm tinh gọn, tránh chồng chéo”- ông Tùng nêu quan điểm.

Về “nhân sự”, Bộ Công an ước tính toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Ông Tùng băn khoăn, hiện có trên 650.000 người ở các đội dân phòng, tổ bảo vệ dân phố cũng như lực lượng công an xã bán chuyên trách, như vậy sẽ tăng khoảng gần 800.000 người so với thực tế hiện nay.

Tờ trình của Chính phủ đánh giá với việc không tiếp tục duy trì lực lượng công an xã bán chuyên trách, không tiếp tục duy trì đội bảo vệ dân phố, cắt giảm phụ cấp nhưng dự thảo luật cũng quy định các lực lượng này được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng. 

“Chúng tôi thấy đây có thể chỉ là cách gọi khác thôi, về tính chất thì vẫn như phụ cấp. Với số lượng tăng thêm 800.000 người dẫn đến nhu cầu cần bổ sung rất lớn kinh phí về ngân sách. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc, có tính toán kỹ về điều kiện bảo đảm”- ông Tùng nói thêm.

Theo dự thảo, ngân sách địa phương sẽ bảo đảm cho hoạt động của các lực lượng này, trong khi ông Tùng nêu thực tế nhiều địa phương hiện vẫn chưa tự cân đối được ngân sách. Đó là chưa tính tới các khoản chi hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật sau đó đề nghị “cân nhắc kỹ” để có thể bảo đảm có nguồn lực duy trì hoạt động của lực lượng này, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế. 

“Qua tổng kết cuối năm 2019 liên quan đến tinh giản biên chế ở các cấp cơ sở theo Nghị quyết 18, sau hai năm mới chỉ tinh giản khoảng 100.000 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Trong khi nếu theo dự án luật này sẽ tăng thêm 800.000 người hưởng chế độ bồi dưỡng thường xuyên, chưa kể còn chế độ khác BHYT, BHXH tự nguyện”- ông Tùng nhấn mạnh.

“Những anh hết nhiệm vụ lại được đưa vào luật này”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó cũng nêu hàng loạt câu hỏi mà theo bà, cần ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện thêm.

Ngân sách đâu 'nuôi' người bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: HẢI NINH

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ba lực lượng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án luật này gồm bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã, thị trấn bán chuyên trách trước đây. 

“Số này hết nhiệm vụ rồi. Công an xã chính quy thì chủ yếu phải tăng cường từ huyện về. Có nghĩa là luật này đưa ra, những anh hết nhiệm vụ lại được đưa vào luật này”- vẫn lời Chủ tịch Quốc hội.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bà Ngân cho rằng “thực chất đều là nhiệm vụ của công an xã”. Do vậy, ban soạn thảo cần xác định rõ tính chất phối hợp, hỗ trợ của lực lượng này để tránh chồng lấn, làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy tại cơ sở.

Mặt khác, cần xác định rõ hơn phạm vi, mức độ, phương thức mà lực lượng này tham gia, hỗ trợ phối hợp với công an xã trong việc thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở (với tính chất là cơ quan tự quản, tự nguyện của quần chúng) để nâng cao hiệu quả.

“Bộ trưởng báo cáo có giảm kinh phí. Tôi không biết ý kiến của Bộ Tài chính thế nào vì đó là điều kiện bảo đảm hoạt động được tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Khi thành lập một lực lượng nào để thực hiện nhiệm vụ thì quy định (về kinh phí) là cần thiết. Không thể nói là làm chay được”- bà Ngân nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm