vì vậy chưa thể làm hài lòng hành khách; rằng mạng lưới chỉ có một đường đơn, nhiều cung đường khó khăn, hiểm trở, tốc độ thấp,… nên phải dừng tàu nhiều lần…
Đó là những lời giải thích của bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, về những phản ánh của hành khách khi đi tàu dịp cao điểm Tết trên các bài báo màPháp Luật TP.HCM phản ánh.
Tôi cho rằng những lời phân giải này không hề mới, thậm chí đã quá quen tai. Nhiều năm trước, những người có trách nhiệm của ngành hỏa xa cũng đã lý giải như vậy mỗi khi người đi tàu mở lời phê phán.
Là người miền Trung, sống gần nhà ga nên mỗi dịp lễ, Tết, hè hoặc đi công tác tôi đều có nhiều trải nghiệm trên các chuyến tàu thiên lý Nam-Bắc và ngược lại. Công bằng mà nói ngành hỏa xa những năm gần đây cũng có những thay đổi nhất định về thái độ phục vụ, cải tiến cách bán vé thay vì xếp hàng rồng rắn, vật vờ nằm sân ga chờ đến lượt để mua được tấm vé đoàn tụ gia đình mỗi dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, để đem đến sự hài lòng cho hành khách thì vẫn còn là câu chuyện dài.
Và việc lấy cớ là ngày lễ, Tết, do khách đông để bao biện cho chất lượng dịch vụ thấp, thái độ phục vụ kém như nhiều người thì nằm bít hành lang, toilet hôi thối,… là điều rất khó chấp nhận. Cái hành khách đi tàu cần là sự khắc phục những thực trạng đó bằng hành động cụ thể chứ không phải đôi ba câu giải thích và mong được họ thông cảm.
Ở thời đại 4.0 nhưng ngành hỏa xa đã tụt lại đằng sau với thiết bị cũ kỹ; đầu máy, toa tàu lạc hậu; nhà ga già cỗi, rêu phong xuống cấp,… Điều đáng nói, chất lượng dịch vụ lại tỉ lệ nghịch với giá cả. Nhiều hành khách cho rằng không đáng “đồng tiền bát gạo” họ bỏ ra cho một chuyến đi dài.
Tôi ghi nhận kiến nghị của bà Hà rằng: “Ngành đường sắt cần có đường sắt đôi, chạy tàu bằng hệ thống tín hiệu đóng đường tự động mới phần nào giải quyết được việc giao cắt các tàu ngược chiều như tình trạng hiện nay”. Tuy nhiên, đề xuất này đã được đặt lên các nhà chức trách cũng khá lâu, thậm chí hàng chục năm nay nhưng cuối cùng đề xuất cũng chỉ là đề xuất.