Sáng 18-12, Bộ GD&ĐT tổ chức toạ đàm chuyên gia trong nước và quốc tế về liên thông trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ Đại học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
10 ngành đào tạo liên thông có quy mô lớn nhất
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thảo Hương, chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết tổng số cơ sở giáo dục đại học của Việt nam hiện nay là 243 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh), trong đó số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên thông là 134 trường, chiếm 49% số cơ sở đào tạo. Điều này cho thấy nhu cầu dạy và học liên thông là tương đối lớn.
Theo thống kê của vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT có 10 ngành đạo tạo liên thông có quy mô lớn nhất.
Trong đó, ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học là những ngành có nhu cầu đào tạo liên thông lớn nhất. Điều này cũng dễ giải thích vì hiện 2 ngành này vẫn được đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng, trong khi đó yêu cầu đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ngày càng khắt khe hơn và vì thế số lượng giáo viên có bằng trung cấp, cao đẳng đi học liên thông để lấy bằng đại học ngày càng nhiều.
Tương tự như vậy, các ngành Luật, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Kế toán, Dược học, Điều dưỡng, Y khoa, Luật Kinh tế, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử cũng là những ngành có đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như nâng cao trình độ, số lượng người có nhu cầu học lên đại học rất lớn.
Hai hình thức đào tạo liên thông
Đào tạo liên thông có 2 hình thức là chính quy và vừa làm vừa học, trong đó ở hình thức nào cũng có các đối tượng khác nhau: từ trung cấp lên đại học, từ cao đẳng lên đại học và từ đại học sang đại học (văn bằng 2).
Trong số 134 trường có đào tạo liên thông, các trường có thể đào tạo cả theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, hoặc chỉ đào tạo một hình thức chính quy hoặc vừa làm vừa học, có thể đào tạo một hoặc nhiều cấp độ khác nhau tuỳ theo nhu cầu người học và năng lực đào tạo của nhà trường.
Thống kê có 85 trường đào tạo liên thông chính quy từ cao đẳng lên đại học, trong khi đó đào tạo liên thông chính quy từ trung cấp lên đại học chỉ chiếm phân nửa số trường đào tạo.
Nếu như đào tạo liên thông chính quy từ cao đẳng lên đại học có nhiều trường tổ chức nhất thì đối với chương trình đào tạo, số lượng chương trình đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học từ cao đẳng lên đại học lại nhiều hơn cả với 411 chương trình.
Số chương trình đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học nhiều hơn số chương trình đào tạo liên thông chính quy. Bởi đối tượng người học liên thông đa phần là những người đã đi làm, học liên thông lên đại học để phục vụ nhu cầu trong công việc. Do đó hình thức vừa làm vừa học là phù hợp nhất giúp người học vừa có thể duy trì công việc hiện có vừa có thể nâng cao kiến thức và trình độ.
Đối với đào tạo liên thông chính quy, 39% cơ sở đào tạo sử dụng hình thức xét hồ sơ, 23,4% sử dụng hình thức thi tuyển và 29,9% kết hợp thi tuyển và xét hồ sơ để tuyển sinh đầu vào.
Về phương thức tổ chức đào tạo, 53,2% cơ sở đào tạo tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng, 28,6% kết hợp tổ chức lớp liên thông chính quy riêng và lớp cùng sinh viên chính quy, 18,2% tổ chức cho sinh viên liên thông chính quy học cùng lớp với sinh viên chính quy.
Đối với đào tạo liên thông vừa làm vừa học, có 41,3% số cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học theo hình thức xét tuyển, 28% tổ chức theo hình thức thi tuyển và 28,9% tổ chức theo hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Đa số các lớp liên thông vừa làm vừa học tổ chức vào cuối tuần để thuận lợi cho người học hoặc kết hợp buổi tối và cuối tuần.