Đó là kết quả thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM về nhu cầu nhân lực khối ngành du lịch giai đoạn 2013 - 2020.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm cho biết trong những năm tới, nhu cầu nhân lực của ngành du lịch tăng mạnh khi thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực được triển khai.
Tuy vậy, ông Tuấn cũng lo ngại nhân lực ngành du lịch của Việt Nam còn thiếu về trình độ ngoại ngữ, thiếu kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng giao tiếp.
Theo số liệu khảo sát của trung tâm trong năm 2013, có khoảng 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour không đạt chuẩn về ngoại ngữ, tỷ lệ này ở nhân viên lễ tân nhà hàng là 70-80%.
Ông Đặng Trung Nghĩa, phó Giám đốc công ty du lịch Fiditour cũng thừa nhận nhân lực điều hành trong ngành du lịch hiện vẫn còn yếu ngoại ngữ chuyên ngành, nhiều người thiếu ý thức trau dồi kiến thức văn hoá, lịch sử, địa lý....
Trong danh sách hướng dẫn viên của Tổng cục du lịch Việt Nam, hiện nay thành phố có khoảng 2.020 hướng dẫn viên quốc tế được cấp thẻ đang hoạt động, trong đó hướng dẫn viên tiếng Anh là 1.250 người, tiếng Pháp là 225 người, Trung Quốc là 99 người, Nhật là 160 người, Hàn Quốc 156 người.
Ông Tuấn cho rằng để hạn chế tình trạng chênh lệch cung - cầu trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đào tạo du lịch cũng như các doanh nghiệp trong ngành cần áp dụng rộng rãi việc đào tạo theo bộ "Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam" .
Theo TBKTSG