Ngày hội lớn của phật giáo quốc tế tại Việt Nam

Đại Lễ Phật đản LHQ năm 2008, do Chính phủ Việt Nam đăng cai phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC) đồng tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ ngày 13-5 đến ngày 17-5-2008.

Với chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo về việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 và Hội thảo Phật giáo quốc tế sẽ là sự gặp gỡ của 1.500 vị khách quốc tế bao gồm các vị lãnh đạo Phật giáo, các học giả, chính khách đến từ 95 quốc gia trên thế giới.

Đối với Phật giáo Việt Nam, trong suốt quá trình lịch sử hơn 2.000 năm kể từ khi Phật giáo du nhập, lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam với vai trò là nước đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ, một sự kiện trọng đại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhân dịp này, Đặc san CATP đã có cuộc gặp gỡ với các vị chức sắc trong Phật giáo và Ban Tổ chức Đại lễ ghi nhận những ý kiến phát biểu xung quanh vấn đề này.

Ngày hội lớn của phật giáo quốc tế tại Việt Nam ảnh 1Hoà thượng THÍCH TRÍ QUẢNG, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Phật giáo quốc tế:

Trước kia, Đại lễ Vesak, hay còn gọi là Tam Hợp, được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản thường tổ chức ba sự kiện Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn của đức Phật Thích Ca vào ba ngày khác nhau trong năm.

Tuy nhiên, ngày rằm tháng tư âm lịch được xem là ngày lễ trọng đại nhất của Phật giáo và đã được các truyền thống Phật giáo chấp nhận trong kỳ Đại hội Phật giáo quốc tế lần thứ VI vào năm 1961. Cho đến ngày 15-12-1999 Đại Hội đồng LHQ đã chính thức thừa nhận ngày Đại lễ Vesak là ngày hội văn hoá tôn giáo thế giới, được tổ chức tại trụ sở LHQ và các Trung tâm LHQ ở khu vực.

Đại lễ đầu tiên được tổ chức năm 2000 tại trụ sở LHQ ở New York. Từ năm 2004 trở về sau, các Đại lễ đều tổ chức thành công tại Bang Kok, Thái Lan. Ngày 29-5-2007, trong phiên bế mạc Đại lễ Phật đản LHQ 2007, sau khi xem xét thư thỉnh nguyện của GHPGVN và thư đăng ký đăng cai của Bộ Ngoại giao nước ta, Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ đã chính thức công bố trước hơn 500 đoàn đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng Việt Nam là nước sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 và tổ chức Hội thảo Phật giáo quốc tế lần thứ 5.

Chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản LHQ 2008, GHPGVN đã có thông bạch và văn bản hướng dẫn chi tiết cho Phật giáo các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các hoạt động hưởng ứng Đại lễ Phật đản LHQ và tổ chức lễ Phật đản theo truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 đối với Việt Nam không chỉ thuần túy là một lễ hội văn hoá tôn giáo tầm cỡ quốc tế, đây còn là một sự kiện lịch sử lớn lao của Phật giáo Việt Nam, là dịp để đông đảo đại diện Phật giáo các nước trên thế giới họp mặt tại Việt Nam, đề cao giá trị và vai trò của Phật giáo Việt Nam trong sự hoà hợp, đoàn kết, hữu nghị, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

Ngày hội lớn của phật giáo quốc tế tại Việt Nam ảnh 2Ông NGUYỄN THẾ DOANH, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ:

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 do Chính phủ Việt Nam đăng cai phối hợp cùng GHPGVN và IOC đồng tổ chức; đồng thời tổ chức Hội thảo Phật giáo quốc tế lần thứ 5 nhân kỷ niệm ngày đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết Bàn.

Để đảm bảo cho hoạt động của Đại lễ với hình thức sinh hoạt văn hoá tôn giáo của một tôn giáo được LHQ cổ súy, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Điều phối quốc gia (ĐPQG) tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam nhằm phối hợp cùng GHPGVN và IOC triển khai các hoạt động tổ chức Đại lễ.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn gởi UBND, Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đề nghị chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động phối hợp giúp Phật giáo các địa phương tổ chức Đại lễ Phật đản 2008 theo tinh thần thông bạch của GHPGVN.

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam là hoạt động quốc tế lớn, được tổ chức trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và điều kiện vật chất, phương tiện còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động của GHPGVN, IOC và các ngành, các cấp, sự quyết tâm và thống nhất cao của Ban Chỉ đạo quốc tế cùng những lực lượng có liên quan tham gia tổ chức Đại lễ là cơ sở cho Đại lễ Phật đản LHQ 2008 sẽ được diễn ra thuận lợi.

Mỗi người dân Việt Nam không chỉ tự hào về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 mà càng phải có trách nhiệm từ ý thức tới tình cảm, tinh thần xây dựng để trợ duyên cho Đại lễ thành công tốt đẹp.

Ngày hội lớn của phật giáo quốc tế tại Việt Nam ảnh 3Đại đức THÍCH NHẬT TỪ, Tổng thư ký IOC:

Đại lễ Vesak LHQ có tên gọi quốc tế là United Nations Day of Vesak (UNDV). Tên gọi chính thức tại Việt Nam là “Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc”. Mục đích của Đại lễ nhằm tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hoá, hoà bình của đức Phật Thích Ca, tạo dựng mối tương kính, hiểu biết giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới.

Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC) được thành lập tháng 5-2004 theo tinh thần của nghị quyết A/Res/54/115 do Đại Hội đồng LHQ thông qua tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự LHQ ngày 15-12-1999.

IOC là tổ chức Phật giáo thế giới, bao gồm đại diện các truyền thống Phật giáo của nhiều quốc gia với mục đích tổ chức Đại lễ Vesak LHQ hàng năm, đồng thời là một tổ chức nối kết các hoạt động Phật sự của các tông phái Phật giáo trên toàn cầu, góp phần giới thiệu các giá trị ứng dụng lời Phật dạy trong việc giải quyết các vấn nạn cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới.

Trong phiên bế mạc Đại lễ Vesak LHQ 2007 tại Thái Lan, IOC đã chuyển giao quyền đăng cai cho Việt Nam và đề cử GSTS. Lê Mạnh Thát làm Chủ tịch IOC theo tinh thần Hiến chương.

Chính phủ Việt Nam đã cho phép đặt văn phòng IOC tại TPHCM, đồng thời chỉ đạo thành lập bảy tiểu ban nhằm thực hiện các khâu tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ diễn ra từ ngày 13 đến 17-5-2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia và Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Hiện nay, công tác chuẩn bị cho Đại lễ đang được triển khai đồng bộ tại tất cả các tiểu ban và đang gấp rút hoàn tất. Tính đến thời điểm này, đã có 1.500 đại biểu của 600 đoàn đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự đại lễ.

Đối với cuộc Hội thảo Phật giáo quốc tế lần thứ 5 thì hiện nay, Ban Tổ chức đã nhận được khoảng 20 bài tham luận từ các học giả Phật giáo, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong 20 bài đó, có thể coi là các phát biểu từ nhiều góc độ khác nhau tập trung vào chủ đề chính là Phật giáo Việt Nam có vị trí như thế nào trong công cuộc xây dựng đất nước trong hiện tại và tương lai.

Phần lớn các bài tham luận đều xoay quanh chủ đề Hội thảo: “Sự đóng góp của Phật giáo về việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Nội dung tham luận cho thấy Phật giáo Việt Nam không những là một di sản văn hoá của thời đại đã qua, mà đang hiện diện cùng nhân dân và Tổ quốc ngay trong hiện tại và còn tiếp tục đi cùng đất nước trong tương lai.

Phật giáo đã chứng minh rằng đây là một trong những sức mạnh của đất nước trong thời kỳ hội nhập, là một động lực phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Ngày hội lớn của phật giáo quốc tế tại Việt Nam ảnh 4Thượng toạ THÍCH TÔN THẬT, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN, Trưởng hệ phái Phật giáo người Hoa:

Nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống văn hoá Phật giáo của dân tộc Việt Nam, để giới thiệu với thế giới về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Nhà nước Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội giao lưu giới thiệu hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hoà bình, hữu nghị và hợp tác cùng thế giới;

với tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong xu thế hội nhập, chúng tôi tin rằng Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam sẽ là ngày hội Phật giáo quốc tế có một không hai trên đất nước Việt Nam, và cũng là một lễ hội văn hoá tâm linh lớn nhất từ trước tới nay.

Phật giáo người Hoa là một thành viên của GHPGVN. Trên cương vị Trưởng hệ phái, chúng tôi rất vui mừng khi được giao nhiệm vụ tổ chức lễ thắp nến cầu nguyện hoà bình chào mừng Đại lễ Phật đản 2008 tổ chức tại thủ đô Hà Nội.

Dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 18 giờ, ngày 16-5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đây là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng thành công của Đại lễ. Đồng thời là một cách truyền bá thông điệp của đức Phật cho nhân loại về từ bi, hoà bình, hoà hợp, tiến bộ và phát triển.

Ngày hội lớn của phật giáo quốc tế tại Việt Nam ảnh 5Thượng toạ THÍCH THIỆN BẢO, Trưởng ban Văn hoá Thành hội Phật giáo TPHCM:

Theo kế hoạch tổ chức Tuần lễ Phật đản của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, chúng tội được phân công phụ trách mảng văn nghệ, triển lãm, xe hoa diễu hành, hội chợ văn hoá - ẩm thực.

Hiện nay, các chương trình hoạt động đang tiến hành triển khai. Trong đó, quy mô nhất là Hội thi văn nghệ Phật giáo diễn ra từ ngày 29-3 và kết thúc vào đêm 5-5 tại Nhà hát Hoà Bình. Song song với Hội thi văn nghệ Phật giáo, chúng tôi đang thực hiện một video-clip ca nhạc Phật giáo để phát sóng trên Đài Truyền hình TPHCM (HTV) vào hai đêm 12 và 18-5.

Riêng về phần triển lãm, ngoài không gian triển lãm truyền thống, chúng tôi đang phối hợp với Hội Mỹ thuật TPHCM và các nhà sưu tập cổ vật trong thành phố tổ chức triển lãm Mỹ thuật với chủ đề “Mỹ thuật Phật giáo xưa và nay”. Dự kiến triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 25-5 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và hoạt động này sẽ trở thành hoạt động văn hoá thường xuyên hàng năm khi mùa Phật đản đến.

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 diễn ra tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của các vị lãnh đạo Phật giáo và khách mời quốc tế. Qua đó góp phần quảng bá và giới thiệu về hình ảnh hội nhập của đất nước, về sinh hoạt văn hoá truyền thống, sự tín ngưỡng tôn giáo. Chúng ta làm được những hoạt động kể trên trong một dịp vô cùng trọng đại này sẽ góp phần rất lớn tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố, khẳng định quyết tâm xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp, hiện đại, nghĩa tình và nâng cao tầm vóc của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trong lòng bạn bè quốc tế.

GIANG PHONG - (Theo CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm