Xin ông cho biết thành công lớn nhất của việc tổ chức đại lễ lần này?
Tổ chức một Đại lễ lớn thành công tốt đẹp đã thể hiện khả năng tổ chức của Việt Nam. Chúng ta đã đón tiếp gần 5.000 đại biểu đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà không để xảy ra sự cố gì. Chính phủ Việt Nam đã cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hàng nghìn Tăng Ni, tình nguyện viên làm việc không biết mệt mỏi để tạo nên sự thành công cho Đại lễ.
Qua Đại lễ này cũng cho thấy cộng đồng thế giới rất ủng hộ chúng ta. Các đại biểu khắp nơi trên thế giới đã đến và cảm nhận một không khí hòa bình tại Việt Nam, cảm nhận chính sách lớn của Nhà nước Việt Nam và Phật giáo Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Các đại biểu quốc tế đền Việt Nam cũng là đáp lại tình bạn đó. Đại lễ cũng tạo cầu nối giữa các cộng đồng trên thế giới, kêu gọi chấm dứt xung đột cũng như sự chia rẽ.
Qua Đại lễ này thông điệp của đức Phật là tình thương và trí tuệ cũng được lan tỏa.
Xin ông cho biết, qua Đại lễ này vai trò của Phật giáo Việt Nam được thế hiện như thế nào?
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tổ chức tại Việt Nam cũng có nghĩa là Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nghị quyết về văn hóa của Liên hợp quốc và thể hiện khả năng hội nhập của Phật giáo Việt Nam với thế giới. Báo cáo kết quả Đại lễ, Đại Đức Thích Nhật Từ, Tổng Thư ký IOC nêu rõ: Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế trọng đại này với tất cả tâm lực và trí lực.
Ngày Phật đản Liên hợp quốc ở Việt Nam trở thành ngày hội văn hoá chan hoà tinh thần đoàn kết dân tộc và quốc tế, nêu cao thông điệp "hoà bình và yêu thương" trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật. Đại lễ không chỉ là một lễ hội văn hoá tôn giáo quốc tế mà còn là cơ hội để thế giới hiểu biết nhiều hơn về Phật giáo Việt Nam, về văn hoá Việt Nam, về chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình với một nền văn hoá đa tôn giáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hàng nghìn năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Đó là cả một truyền thống to lớn của Phật giáo Việt Nam. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đã đăng cai Đại lễ này để khẳng định giá trị của Phật giáo thấm đẫm vào trong đời sống xã hội của đất nước.
Qua đại lễ này, Phật giáo Quốc tế và Việt Nam muốn gửi thông điệp gì tới nhân loại, thưa ông?
Phật giáo Việt Nam và quốc tế đã thông qua Đại lễ gửi tới nhận loại thông điệp là hãy xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Qua các bài phát biểu tại đại lễ, bạn bè thế giới đã đóng góp những ý tưởng cho chúng ta. Các bài Phát biểu tại Đại lễ cũng giúp nhân loại nhìn nhận lại những điều còn tồn đọng, khám phá thêm những điều mới lạ cũng như góp phần giải quyết những thách thức không chỉ của tín đồ Phật giáo mà toàn thể nhận loại đang quan tâm.
Các giải pháp hả thi mà các học giả hàng đầu từ khắp thế giới đề xuất, gợi ý cho các vấn đề đương đại không thể thực hiện trong khuôn khổ của một hội nghị. Các bài tham luận là nguồn cảm hứng cho mọi người tiếp tục suy nghĩ, xem xét và chuyển giao những ý tưởng cao đẹp, những đạo lý từ bi và tuệ giáo của đức Phật cho thế hệ mai sau.
Xin cảm ơn ông!
MINH VY - (Theo Tổ quốc)