Ông Trắng và Giang tại tòa chiều 23-8
Sáng mai 7-12, TAND huyện Bàu Bàng (Bình Dương) sẽ đưa vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ra xét xử sơ thẩm lại sau thời gian dài điều tra bổ sung để làm rõ người đại diện hợp pháp của hai công ty bảo hiểm cho xe tải, xe khách…
Vụ án đáng chú ý ở chỗ trong giai đoạn điều tra và truy tố, cả Giang và ông Trắng đều được cho tại ngoại vì có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo và hợp tác tốt với CQĐT, VKS.
Tuy nhiên, sau khi hồ sơ vụ án được chuyển qua TAND huyện Bàu Bàng, tòa lại ra lệnh bắt. Nhiều chuyên gia khẳng định trường hợp này tòa tạm giam chưa đúng quy định của BLTTHS hiện hành.
Theo hồ sơ, Mai Trường Giang là tài xế xe tải, có bằng lái hạng C, lái xe thuê cho một DNTN ở An Giang. Ông Dương Văn Trắng là tài xế xe khách, có bằng lái hạng E, lái thuê cho một DNTN ở Cà Mau.
Rạng sáng 30-4-2015, tại đoạn quốc lộ qua huyện Bàu Bàng, ông Trắng lái xe khách loại 52 giường nằm tấp vào lề nơi có biển cấm dừng, đỗ để cho khách đi vệ sinh, đuôi xe đậu lấn ra 2/3 làn đường dành cho xe tải.
Năm phút sau, Giang lái xe tải chạy phía sau cùng chiều, do ngủ gật nên đã đâm vào đuôi xe khách. Tai nạn làm hai chiếc xe bị hư hỏng (theo định giá, xe khách thiệt hại 263 triệu đồng, xe tải thiệt hại 234 triệu đồng).
Tháng 10-2015, Công an huyện Bàu Bàng đã khởi tố cả hai về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 BLHS. Hai chủ xe được xác định là hai người bị hại.
Chiều 23-8-2016, TAND huyện Bàu Bàng đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Được biết hiện đã có luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Phương Ngọc Dũng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nhận lời bào chữa miễn phí cho bị cáo Mai Trường Giang.
Theo hai luật sư, trường hợp này tòa tạm giam chưa đúng quy định của BLTTHS hiện hành. Cụ thể, Trắng và ông Giang bị truy tố theo khoản 1 Điều 202 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù.
Theo Điều 8 BLHS, đây là tội phạm nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất là của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù). Với tội phạm nghiêm trọng, điểm b khoản 1 Điều 88 BLTTHS quy định bị can, bị cáo có thể bị tạm giam khi có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Trong khi đó, như đã nói, ông Trắng và Giang hoàn toàn không thuộc trường hợp có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.