“Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng” là khẩu hiệu được in nhan nhản trên quảng cáo, tờ bướm… nhưng thành thật mà nói nhiều khi đọc rồi chỉ để hoặc quá sợ phản ứng phụ của thuốc hoặc dùng thuốc nhưng… trật lất! Bằng chứng là vẫn không thiếu người trở bệnh nặng vì dùng thuốc như… không! Dưới đây là bốn trường hợp điển hình.
Bỏ thuốc đặc hiệu trị tiểu đường để chạy theo cây thuốc nào đó
Cần hiểu cho rõ sự khác biệt giữa hạ đường huyết là điều hoàn toàn khả thi với phương tiện của y học hiện nay và trị lành bệnh tiểu đường là mục tiêu còn rất xa tầm tay của thầy thuốc. Hạ đường huyết tất nhiên là mục tiêu điều trị trong bệnh tiểu đường nhưng chỉ bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Khéo hơn nữa là làm sao ổn định lượng đường trong máu vì chính tình trạng đường huyết trồi sụt quá thất thường là đòn bẩy của nhiều biến chứng nghiêm trọng như mù mắt vì thoái hóa võng mạc, đoạn chi vì hoại tử, suy thận… Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây, chuyên gia ngành nội tiết đã phát hiện nhiều nhóm hoạt chất thiên nhiên có tác dụng tương tác với thuốc hạ đường huyết vì vừa giúp thuốc tác dụng nhanh hơn, lâu hơn, vừa hưng phấn hoạt tính của insulin. Nhiều thầy thuốc đang phối hợp các hoạt chất này trong phác đồ điều trị để qua đó vừa có thể giảm lượng thuốc hóa chất, nghĩa là giới hạn phản ứng phụ của thuốc, vừa phòng tránh biến chứng trong bệnh tiểu đường. Các hoạt chất trợ lực cho thuốc hạ đường huyết đã được xác minh tác dụng qua kết quả nghiên cứu đáng tin cậy là:
• Sinh tố B1 ở liều tương đối thấp.
• Khoáng tố vi lượng kẽm và crôm.
• Thành phần không tinh dầu trong quế nhục.
• Chất màu anthocyanin trong trái cây có màu đậm đà như việt quất, gấc.
• Gaba trong gạo mầm.
Biết là các chất nêu trên rất tốt nhưng dùng như thế nào vẫn phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Nên áp dụng Đông y, chẳng hạn thể dục dưỡng sinh chống stress, dược thảo hạ mỡ máu, cây thuốc giữ máu loãng… như biện pháp phòng bệnh cao huyết áp.
Uống cả lít “nước mát gan” mỗi ngày
Đúng là gan mà thiếu mật còn gì là gan. Gan phải bài tiết mật vì đó là phương tiện vận chuyển tạp chất ra khỏi lá gan để đưa xuống ruột theo đường bài tiết. Chủ động hơn nữa, mật cần thiết cho tiến trình biến dưỡng chất béo. Thầy thuốc thường cho thuốc lợi mật để mật đừng ứ trong gan, chẳng hạn trong trường hợp viêm gan, viêm đường dẫn mật… vì mật một khi tích lũy quá lâu trong gan là tác nhân phá hủy nhu mô gan, là lý do sinh vàng mắt vàng da… Lợi mật khi có nhu cầu giải độc cho cơ thể, như ở người bệnh viêm gan, nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu bia, sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm… là điều cần thiết nhưng mặt khác, lạm dụng thuốc lợi mật, ngay cả dưới hình thức sử dụng hoạt chất thiên nhiên, chắc chắn dẫn đến hậu quả bất lợi. Không nên, thậm chí không được dùng thuốc lợi mật năm này qua tháng khác mà không có ý kiến cũng như theo dõi của thầy thuốc. Đừng quên là bắt gan tiết mật thái quá không lợi gì cho lá gan. Thêm vào đó, lợi mật mà không ngờ có chướng ngại trên đường dẫn mật như sỏi trong túi mật có thể dẫn đến ứ mật và cơn đau túi mật.
Đổi sang điều trị Đông y khi thấy huyết áp đã ổn định
Không ai vui gì khi không đau mà phải uống thuốc. Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ. Thuốc trị huyết áp cao là một dẫn chứng cụ thể. Cho dù huyết áp thực sự ổn định vẫn không được tự ý ngưng thuốc vì rất thường đó là lý do khiến huyết áp tăng vọt khi gia chủ gặp chấn động tâm lý, ăn quá mặn, vận động gắng sức… và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Một khi đã dùng thuốc hạ áp thì việc giảm thuốc phải được thực hiện một cách kiên nhẫn, đúng bài bản và dưới sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa. Kết hợp thuốc Đông y trong phác đồ điều trị, chẳng hạn với cây thuốc làm loãng máu (hoạt huyết), chống co mạch (hành khí), trị mất ngủ (an thần)… là điều rất nên làm nếu tìm được thầy thuốc có kinh nghiệm kết hợp Đông, Tây y.
Uống thuốc viêm loét dạ dày gần bữa ăn
Với thuốc nào cũng thế, giờ uống thuốc bao giờ cũng quan trọng vì nhờ đó thuốc triển khai tác dụng một cách tối ưu. Điều này càng quan trọng hơn nữa khi dùng thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng vì hiệu năng có tối ưu như mong muốn hay không tùy thuộc vào giờ uống thuốc thích hợp với cơ chế tác dụng của thuốc. Nếu dùng thuốc kháng toan tất nhiên nên dùng thuốc khi trong dạ dày có nhiều chất chua (dịch vị), chẳng hạn trước bữa ăn, lúc có cảm giác đói cồn cào, ngay lúc ợ chua… Bên cạnh đó, việc uống thêm cữ thuốc khoảng một giờ sau bữa ăn là hoàn toàn chính xác vì đó là thời điểm dịch vị được phóng thích nhiều nhất cho dù gia chủ đã ngừng ăn.