Bên cạnh những nỗi niềm, trong đôi mắt của nghệ sĩ Bạch Long vẫn ánh lên niềm tự hào, hạnh phúc với những điều anh đã làm cho sân khấu dù lắm thăng trầm, khó khăn.
![]() |
Nghệ sĩ Bạch Long. Ảnh: NSCC |
"'Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười' thì 'khổ' ở đây không phải là nghèo khổ mà 'khổ' có nghĩa là khổ luyện, trau dồi" - nghệ sĩ Bạch Long.
Cuộc đời lắm thăng trầm, biến đổi
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật khi có cha là NSND Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ Huỳnh Mai, cậu là nghệ sĩ Minh Tơ, ông chủ của gánh hát Minh Tơ lẫy lừng. Vì vậy từ thuở bé nghệ sĩ Bạch Long đã được tiếp cận với sân khấu và tình yêu với sân khấu nảy nở từ bên trong lúc nào chẳng hay.
Đến năm 10 tuổi, vì bản thân có học nhạc cụ và biết một chút về âm nhạc anh vào làm trong ban nhạc của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ để gõ chập chen, thì người đầu tiên đưa nghệ sĩ Bạch Long ra sân khấu hát chính là cậu Minh Tơ của anh.
"Lúc đó, đoàn đang hát vở Ngô Tùng Quân xuất thế, vai Ngô Tùng Quân là của cậu Minh Tơ, mọi lần cậu đóng hết từ đầu đến cuối nhưng tự nhiên một hôm cậu đi xuống kêu tôi lại và làm mặt cho tôi cậu mới nói: 'Một lát nữa con diễn vai của cậu'.
Tôi còn nhớ, cảnh vai đó xuất hiện là giữa sân khấu sẽ có một cây tùng, tôi sẽ đứng sau lưng. Cậu dặn tôi khi nào ông tiều phu bửa cây tùng ra thì Ngô Tùng Quân sẽ xuất hiện cười và nói: 'Con cảm ơn ông, con thọ khí âm dương ở trong cây tùng này ông đã cứu con, một lạy xin đáp tạ'.
Nhưng khi đứng trên sân khấu, tôi nhìn xuống khán giả run quá nên nói 'Con cảm ơn ông. Con thọ khí Diêm dương ở trong cây tùng này ông đã cứu con một lạy xin đáp tạ' thì khán giả cười rần rần" – anh nhớ lại.
Từ vai diễn đáng nhớ đó, nghệ sĩ Bạch Long bắt đầu được cho đi hát với những vai quân sĩ, kép con (vai trẻ con) như vai Nghi Xuân Tấn lực trong Phạm Công Cúc Hoa, vai Na Tra, Hồng Hài Nhi… Đến tuổi 26-27, anh đã có những vai diễn để đời như vai Phù Đổng thiên Vương, Thánh gióng, Kim Đồng…
![]() |
Nghệ sĩ Bạch Long thành danh từ cải lương, sau mới chuyển sang kịch nói. Ảnh: NSCC |
Đến năm 1990, anh bắt đầu thành lập đoàn Cải lương Đồng ấu Bạch Long với nhiều học trò như Tú Sương, Vũ Luân, Trinh Trinh, Quế Trân... Khi đó đoàn Đồng ấu đã đi diễn và tạo tiếng vang trong một thời gian rất dài.
Tuy nhiên, đến năm 1998-1999 đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long ngưng hoạt động.
"Lúc đó thất nghiệp rồi buồn thậm chí là muốn tự vẫn. Tôi khó khăn hết tiền đến mức độ phải tháo đồng hồ ra nhờ học trò đi cầm nhưng học trò cầm đồng hồ trở về để trên bàn cùng 300.000 đồng, nói: 'Đồng hồ thầy người ta không cầm'.
Tôi mới hỏi lại: “Không cầm thì tiền đâu em đưa thầy”. Học trò đáp: 'Con làm bảo vệ ở trong Bar con được 500.000 đồng, thầy giữ 300.000 xài đi con còn 200.000 con xài'.
Tôi mới thấy cuộc đời mình đã quá bi kịch. Sau đó khi ông Huỳnh Anh Tuấn điện cho tôi nhờ về diễn giúp trong vở "Ba chàng lính ngự lâm" vì thiếu diễn viên. Và vì đang đói, tôi mới nghĩ: "Thôi kệ! Về diễn 10 suất sống được 10 ngày” vì vậy tôi nhận lời. Người ta thấy tôi diễn được nên đã giữ tôi lại đến hôm nay" - nam nghệ sĩ kể lại.
Đồng ấu Bạch Long: Dấu ấn vàng son
Theo nghệ sĩ Bạch Long, đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long ra đời bắt nguồn từ câu chuyện chị Kim Hà ở HTV7 đài truyền hình TP.HCM đưa cho anh vở Cóc kiện trời và nhờ anh dựng để phát sóng trong dịp Tết Trung thu năm 1990.
"Thực ra vở đó là kịch nói chứ không phải cải lương, tôi mới xin chị cho mình dựng thành vở cải lương để nó hấp dẫn màu sắc hơn. Nhận được sự đồng ý tôi mới gom con em nghệ sĩ trong đoàn Minh Tơ lại như Quế Trân, Việt Tân con NSND Thanh Tòng, Thanh Thảo, Tú Sương, Ngọc Trinh con của Thanh Loan Trường Sơn, Bình Tinh, Kim Nhơn là con của Đức Lợi, Bạch Mai và một số con em lao động ở xóm tôi. Ai có năng khiếu thì tôi gom lại dạy" – nam nghệ sĩ chia sẻ.
![]() |
Nghệ sĩ Bạch Long tất bật tập luyện cho Liveshow "Bạch Long- 55 năm ăn cơm Tổ khổ vẫn cười". Ảnh: VĂN HÀ |
Và Đồng ấu Bạch Long lần đầu xuất hiện trên đài truyền hình qua vở Cóc kiện trời đã gây tiếng vang lớn, đó cũng là động lực để nghệ sĩ Bạch Long mạnh tay viết thêm các vở như Cầu vồng và đàn thỏ, Con bạch mã và củ cải khổng lồ…
Anh Nguyễn Văn Tài của rạp Đại Đồng nói: "Loại hình nghệ thuật này hay sao em không đem ra rạp để diễn cho các cháu nó xem". Nhờ lời nói đó nghệ sĩ Bạch Long cùng đoàn Đồng ấu diễn hằng tuần vào sáng chủ nhật tại rạp Đại Đồng (đường Cao Thắng), được khán giả ủng hộ và bắt đầu phát triển hơn nữa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công thì rắc rối cũng tìm đến với anh và đoàn Đồng ấu.
Nghệ sĩ Bạch Long tâm sự: “Trong giới của mình, đoàn người lớn họ không thấy điều tôi làm. Tôi làm vì cái chung tức là tôi mở đoàn hát Đồng ấu là vì muốn để con nít hát cải lương cho con nít xem thì lớn lên nó mới thích cải lương. Nhưng tôi không làm được và phải ngưng hoạt động".
Rồi khó khăn tiếp tục ập đến. Thời kỳ hoàng kim của cải lương đã đi qua, nghệ sĩ Bạch Long đối diện với việc vắng khán giả và phải bù lỗ liên tục.
![]() |
NS Bạch Long và học trò trong một phân đoạn. Ảnh: VĂN HÀ |
Dù vậy, nghệ sĩ Bạch Long cho rằng đoàn Cải lương Đồng ấu Bạch Long với anh mãi là một dấu ấn đáng nhớ trong suốt 55 năm làm nghề. Anh học và làm được gì trên sân khấu đều truyền lại cho thế hệ sau, để bây giờ sân khấu cải lương tuồng cổ có được những gương mặt vàng như NSƯT Quế Trân, Tú Sương, Vũ Luân, Tâm Tâm, Trinh Trinh…
Điều tự hào và vẫn luôn nhiệt huyết
Với nghệ sĩ Bạch Long, điều anh tự hào chính là các học trò thuở ấy đã trở thành NSƯT dù chính anh vẫn chưa thể đạt được danh hiệu cao quý đó. Và điều hạnh phúc nhất với anh là khi đến hiện tại anh có dịp diễn cùng các học trò của mình, những người nghệ sĩ do chính anh đào tạo từ thưở bé.
![]() |
Nghệ sĩ Bạch Long hướng dẫn trình thức biểu diễn mới cho 2 học trò Tú Sương và Trinh Trinh. Ảnh: Ninh Lộc |
Đến hôm nay, dù đã bước sang tuổi 64, nghệ sĩ Bạch Long vẫn miệt mài hoạt động nghệ thuật, vẫn miệt mài đào tạo những lớp diễn viên trẻ kế thừa. Bởi anh cho rằng đó chính là sứ mệnh, là trách nhiệm mà Tổ nghề đã giao phó cho chính anh.
"Rõ ràng bây giờ tôi vẫn tiếp tục đào tạo một số diễn viên mới nữa. Công việc của tôi là như vậy thôi, chỉ dạy nghề cho các em và hạnh phúc khi thấy các em thành công với niềm đam mê của bản thân mình" – nghệ sĩ Bạch Long bày tỏ.
Liveshow cải lương: "Bạch Long- 55 năm ăn cơm Tổ khổ vẫn cười"
Tối 7-1, chương trình Cải lương tuồng cổ kỷ niệm 55 năm theo nghiệp hát của nghệ sĩ Bạch Long, với tên gọi "Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười" sẽ diễn ra tại Nhà hát Thanh niên.
Chương trình có sự góp mặt của nhiều học trò từ Đồng ấu Bạch Long như Vũ Luân, Tú Sương, Tâm Tâm, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Xuân Trúc... và nghệ sĩ Kim Tử Long...
Trong vai trò tổng đạo diễn, nghệ sĩ Đình Toàn chia sẻ với PLO: "Vì liveshow của anh Bạch Long có nhiều trích đoạn nhỏ nên nhiệm vụ của tôi phải làm sao cho nó vẫn giữ được câu chuyện đó, với cốt truyện đó nhưng nó sẽ được mới hơn và tôi có tham vọng một chút để nó đẹp, kĩ hơn.
Bên cạnh đó, trong liveshow điều đầu tiên tôi làm là kể câu chuyện về anh Bạch Long, một người thầy đã dìu dắt và tạo nên rất nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương, đặc biệt là nghệ sĩ tuồng cổ nổi tiếng… Đó là phần mới hoàn toàn được thể hiện trên nền ca khúc 'Người thầy' của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy và ca khúc mới của nhạc sĩ Cao Minh Thu nói về cải lương".