Nghệ sĩ bức xúc, đòi xử lý hài nhảm

Sáng 5-5, Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo “Tác giả và khán giả” nhân vụ việc Trấn Thành bôi bẩn vở cải lương kinh điển Tô Ánh Nguyệt, đẩy cái sự tràn lan hài nhảm, hài dơ trên làn sóng màn ảnh hiện nay lên đỉnh điểm.

Mục tiêu buổi hội thảo nhằm tìm giải pháp tiếp cận khán giả bằng những giá trị giải trí lành mạnh của giới làm nghệ thuật biểu diễn TP.HCM. Buổi hội thảo có sự tham gia của đông đảo giới sáng tác và cả một số ông bà bầu, đại diện các sân khấu như Kịch IDECAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Family…

Giết chết nghệ thuật chân chính

Tại buổi hội thảo, có khá nhiều ý kiến đặt vấn đề tại sao một cuộc hội thảo mang tính xã hội, tính nghề nghiệp thiết thực, cấp bách như vậy lại vắng mặt đại diện Sở VH-TT TP.HCM, cơ quan có trách nhiệm quản lý văn hóa của TP.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDECAF bức xúc: “Các sân khấu kịch đã và đang phải chịu sự xét duyệt vở diễn rất kỹ của Sở VH-TT. Trong khi các chương trình hài kiểu truyền hình thực tế hiện nay gần như không ai duyệt. Diễn viên không cần kịch bản, muốn nói gì thì nói trên sân khấu. Không ít chương trình hài trên tivi chủ yếu vô bổ, nhảm nhí, dung tục. Chỉ trong một năm các chương trình hài nhảm trên tivi đã quét sạch thành quả nghệ thuật gầy dựng 15 năm của các sân khấu kịch, nghệ sĩ kịch Sài Gòn. Các chương trình này đã đẩy lùi, kéo thị hiếu khán giả và giá trị lao động nghệ thuật của diễn viên đi xuống trầm trọng. Để xảy ra những việc như vậy Hội Sân khấu và Sở VH-TT phải nhận trách nhiệm, chưa làm tốt nhiệm vụ cắt duyệt, quản lý, định hướng của mình”.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDECAF phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HÒA BÌNH

Nghệ sĩ Xuân Hương cũng cho rằng Sở VH-TT, các cơ quan quản lý văn hóa cấp cao hơn đã không làm tốt trách nhiệm của mình khi để tình trạng hài nhảm diễn ra tràn lan trên tivi. Không chỉ vậy, nghệ sĩ Xuân Hương nói: “Chính sự vô trách nhiệm với cộng đồng của một số cơ quan báo chí, truyền thông  góp phần làm tình trạng suy thoái văn hóa nghệ thuật hiện nay càng trầm trọng hơn; giết chết nghệ thuật chân chính, nghệ sĩ lao động chân chính”.

Nghệ sĩ Xuân Hương, đạo diễn Hoa Hạ (Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) và nhiều ý kiến khác tại hội thảo đề nghị cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm vụ Trấn Thành bôi bẩn Tô Ánh Nguyệt với tất cả sai phạm kèm theo để vãn hồi lại trật tự nghệ thuật biểu diễn đang bát nháo.

Thị hiếu của khán giả không có tội

Có một điểm rất khác biệt tất cả cuộc hội thảo, tọa đàm sân khấu trước đây là không có ý kiến nào lên án kịch giải trí, yếu tố giải trí chạy theo thị hiếu khán giả ở đây. Trái lại có rất nhiều ý kiến nhấn mạnh giới làm nghề phải biết tôn trọng thị hiếu khán giả, tính thị trường của sân khấu biểu diễn bởi không có khán giả thì sân khấu chết.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nhấn mạnh: “Bản chất nghệ thuật trước hết là giải trí. Trong quá trình hoạt động của mình, đến nay Kịch IDECAF đã dàn dựng trên 200 vở diễn, trong đó những vở sống lâu nhất, có khán giả nhiều nhất chính là những vở mang tính giải trí cao như kịch hài. Kịch chính luận, chính kịch có đối tượng khán giả riêng nhưng phải nhìn nhận thực tế như vậy”.

Tác giả sân khấu Vương Huyền Cơ trình bày: “Bản thân kịch hài, ma, kinh dị, đồng tính không là thị hiếu tầm thường nếu tác giả biết gửi gắm thông điệp gì qua những đề tài này. Có thể mượn chuyện ma để nói chuyện người, mượn tiếng cười để phản ảnh thực trạng xã hội, những mặt trái của con người ẩn dưới lớp vỏ đạo đức. Khán giả không mặn mà với chính kịch bởi nó thiếu hấp dẫn và không nói hộ được nỗi lòng và tâm trạng của họ trước thời cuộc. Nhiệm vụ của tác giả là phải dung hòa được chính kịch và thị trường, tức phải nâng tầm giải trí nhưng vẫn phản ảnh được cái chân-thiện-mỹ của cuộc sống, chạm được đến trái tim của khán giả”.

Phải xây dựng một lớp khán giả mới

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho rằng việc tổ chức những buổi hội thảo như thế này là thiết thực, nên làm thêm những buổi khác có mặt Sở VH-TT TP.HCM lẫn khán giả vì hội thảo này chỉ toàn người trong nghề, không thấy khán giả. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những hội thảo như vầy việc phạt Trấn Thành nghiêm khắc, dẹp loạn hài nhảm hiện nay chỉ giải quyết được phần ngọn. Hiện sân khấu chân chính đã mất 50% lượng khán giả và thị hiếu khán giả tuổi teen đã bị phá hủy nghiêm trọng khi sàn diễn, màn hình mất gần hết những câu thoại kịch bản “văn hay chữ đẹp”.

Ông kêu gọi chính quyền quan tâm các dự án sân khấu thiếu nhi, đem các buổi diễn sân khấu vào trường học vì trẻ con rất thích thú. Ông cho biết ngay cả cải lương cũng cần cấp bách xây dựng một lớp khán giả mới say mê và hiểu biết cải lương bởi lớp khán giả cũ dần mai một. “Cụ thể, sắp tới tôi và Hội Sân khấu TP.HCM sẽ làm một sân khấu cải lương nghiêm túc, hoành tráng tại Nhà hát Bến Thành vào mỗi tháng với những vở diễn hay để đem cải lương thật sự đến khán giả. Dự án này sẽ hoàn toàn phi lợi nhuận. Tất cả lợi nhuận đều được dùng cho vở diễn lần sau” - ông bầu Tuấn nói.

__________________________________

Hội Sân khấu TP.HCM xin rút kinh nghiệm sẽ tổ chức hội thảo lần sau một cách nhanh chóng nhất với sự hiện diện của nhiều khán giả thật sự và tìm mọi cách mời cho được đại diện Sở VH-TT.

Đạo diễn HOA HẠ, Phó Chủ tịch Hội Sân Khấu TP.HCM

Người làm nghệ thuật cần tỉnh táo nghiên cứu thị trường để tiếp nhận đơn đặt hàng từ khán giả. Nếu xa rời thị hiếu khán giả, sân khấu không có khán giả thì nghệ sĩ và sân khấu sẽ chết. Mọi thứ chúng ta đều có thể nói bằng mọi cách hài, ma, cổ tích, hiện đại… Vấn đề là nói như thế nào thì nó phụ thuộc vào tài năng của mỗi người.

Đạo diễn TRẦN NGỌC GIÀU, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm