Tứ đại gia này gồm những nghệ sĩ nổi danh của các gia đình nghệ sĩ nhiều đời làm nghề sân khấu như kỳ nữ Kim Cương, các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Quế Trân. Buổi giao lưu được mặc định trong chuỗi chương trình chủ đề Sài Gòn xưa, do Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa Sài Gòn xưa và nay.
Từng được thăm nuôi tết như... thăm tù
Các nghệ sĩ mở đầu buổi giao lưu bằng những ký ức về cái tết của người nghệ sĩ ở đất Sài Gòn mấy mươi năm về trước. NSND Kim Cương bắt đầu bằng tâm sự: “Cả đời tôi, kể cả mấy chục năm nay khi tôi xa rời sàn diễn tôi không biết ăn tết là gì. Tôi không có thói quen đi thăm ai, chúc tết ai, cũng không ai có thói quen thăm tôi, chúc tết tôi hết. Bị hồi mấy chục năm về trước, cứ tết là nghệ sĩ chúng tôi bị nhốt suốt trong rạp hát, ngày hát ba suất, hổng có đi đâu hay làm gì được. Vô đến rạp chúng tôi làm biếng hóa trang lại mặt rất lâu nên làm mặt một lần rồi để nguyên vậy từ sáng tới khuya cho hết ba suất diễn. Bởi vậy nên chúng tôi đâu thể về nhà ăn cơm mà người thân phải đem đồ ăn đến đoàn. Đến bữa cơm, ông bảo vệ một chút lại hô tên người này người kia như Huỳnh Thanh Trà ra lãnh cơm, Anh Thư ra lãnh cơm… giống như ở tù được thăm nuôi vậy. Nhưng chúng tôi rất vui, vui hơn vì tết thì mình lãnh lương ba cữ”.
Nghệ sĩ Thành Lộc kể đến thời của anh thì không còn cảnh gia đình đi “thăm nuôi”, đem cơm cho nghệ sĩ, mà ai có cái bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, còn gà gì đó thì đem vào hậu trường rạp hát ăn chung. Thành Lộc bảo: “Nghệ sĩ chúng tôi không ăn tết, mà tết của nghệ sĩ là khoảng thời gian từ ngày ông Táo về trời đến trước đêm 30”.
Nhắc đến tết và những ký ức về Sài Gòn xưa, nghệ sĩ Thành Lộc nhớ về những chiếc tivi công cộng. Anh nói hồi đó Sài Gòn có nhiều tivi công cộng mở cho người dân xem. Anh nhớ nhất ba anh - NSND Thành Tôn thường chở bốn, năm chị em trên chiếc xe Vespa chạy ra bến Bạch Đằng, gần khách sạn Majestic để xem tivi công cộng. Anh mô tả cái tivi đặt trên cao, có hai cánh cửa gỗ khóa lại. Đến giờ có người đến mở tivi cho cả chục, cả trăm, cả ngàn người xúm xít lại xem. Thành Lộc cũng kể về chuyện Sài Gòn xưa rất ít nhà có tivi, những gia đình giàu có tivi thường hào hiệp mở rộng cửa cho người lao động chung xóm đến xem cùng.
Nghệ sĩ Hữu Châu thì nhớ về những chiếc xe chở đầu lân đánh trống cắc tùng tùng vào những ngày trước tết ở Sài Gòn mà anh chạy theo hồi bé.
Kỳ nữ Kim Cương và các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Quế Trân kể chuyện rôm rả tại buổi giao lưu mới đây. Ảnh: HB
Không tiền mua sách thì làm quen... giám đốc thư viện quốc gia
Buổi giao lưu diễn ra tại đường sách TP.HCM nên có khán giả đã cắc cớ hỏi các nghệ sĩ có hay đọc sách không và thường đọc sách gì. Nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ: “Nghệ sĩ Việt Nam chúng tôi không có điều kiện học lên nhiều. Học đến thạc sĩ, tiến sĩ chỉ có vài người. Phần nhiều chúng tôi có được tình cảm khán giả, có vốn sống thể hiện được các vai của mình hay để sống với đời cũng qua sách vở. Tôi là một trong những người chỉ học qua sách thôi, chứ học qua trường lớp bằng cấp thì không nhiều lắm. Hồi trước không có tiền mua sách, tôi làm quen với chị giám đốc Thư viện Quốc gia. Quen biết và chị cũng thông cảm hay sao đó mà mỗi lần chị cho tôi mượn được đến 10 quyển sách, đọc hết tôi đi đổi 10 quyển khác. Tôi quan tâm sách văn học trong và ngoài nước để học hỏi. Còn 20 năm trở về đây tôi biết về Phật pháp thì dành thời gian nghiên cứu Phật pháp. Sách của các anh Cao Huy Thuần, Nguyễn Tường Bách, thầy Thích Thanh Từ là sách gối đầu giường của tôi. Đọc được những quyển sách này tôi thấy cuộc sống của mình nhẹ nhàng, không còn những sân si như hồi nhỏ nữa”.
Khi nghệ sĩ Kim Cương dứt lời, nghệ sĩ Hữu Châu đã kể ngay câu chuyện khi anh còn rất trẻ, làm diễn viên tại Đoàn kịch nói Kim Cương thì thấy trong đoàn có một cái rương sách lớn, đi diễn ở đâu cũng chở theo. Có một chị tên Lan quản lý rương sách này, ai muốn đọc thì đến mượn rồi ghi tên lại. Hữu Châu cho biết bản thân anh trước đây đọc sách rất nhiều và rất thích đọc sách. Anh thích đọc sách văn học, đặc biệt là truyện dịch. Anh cũng thú nhận là thời gian gần đây, khi có Facebook anh ít đọc sách hẳn đi.
Nghệ sĩ Thành Lộc khẳng định: “Thế hệ nghệ sĩ của tôi khi đi học trong trường, ngoài kỹ năng diễn, các thầy cô còn giao bài tập bắt buộc là phải đọc sách. Vì công việc của người nghệ sĩ cũng là công việc của người trí thức nên kỹ năng đọc là thứ văn hóa chúng tôi không loại bỏ được khỏi công việc của mình. Khi người diễn viên có kiến thức văn học hay có kỹ năng nói và viết tốt, nó giúp cho họ hiểu và diễn đạt một câu thoại văn học hay hơn, mượt mà hơn. Đôi khi có những lời thoại văn học mà lọt vô miệng những người diễn viên không chịu trau dồi kiến thức, hiểu biết qua việc đọc và học thì nó kỳ lắm. Nói về việc đọc, chỉ riêng những tác phẩm sân khấu thôi đó đã là một kho tàng văn học rất lớn với những nhà viết kịch vĩ đại như Shakespeare, Molier… Ngoài những tác phẩm sân khấu lớn, tôi thích đọc sách văn học trong và ngoài nước. Gần đây, khi không còn nhiều thời gian đọc những tác phẩm dày, tôi thích đọc truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn Nhật Bản”.
Đọc sách để diễn tốt hơn Quế Trân không có thói quen đọc sách mà như mọi người bây giờ, Trân hay lên mạng xem những mạng về văn hóa. Trân nhớ ba Trân mới là người hay đọc sách dữ dội. Ba nói sau này ba viết được tuồng, dàn dựng những chuyện xưa tích cũ là nhờ ba đọc sách nhiều. Những vốn kiến thức đó cho ba kinh nghiệm cũng như văn chương phong phú hơn để diễn tả đúng hơn lịch sử khi viết. Ba cho Trân vài quyển sách về các nhân vật lịch sử Việt Nam để mình hiểu hơn về tính cách, trang phục, ngôn ngữ, phong thái ra sao để diễn tả nhân vật của mình đúng, tốt hơn. Nghệ sĩ QUẾ TRÂN Một người làm văn hóa dở, giết chết cả một thế hệ Một người thầy thuốc dở, giết chết một mạng người. Một người lãnh đạo dở, giết chết một đất nước. Một người làm văn hóa dở, giết chết cả một thế hệ” - NSND Kim Cương chia sẻ lời dạy dỗ của cố nghệ sĩ Bảy Nam về cái đạo làm nghề của những người làm văn hóa, nghệ thuật tại buổi giao lưu như một lời nhắn gửi tâm huyết đến thế hệ nghệ sĩ về sau. |