Có mặt tại buổi giao lưu ngoài tác giả Mạc Thụy của Sài Gòn vẫn hát còn có tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, nhạc sĩ Tuấn Khanh cùng đông đảo các bạn trẻ và những người yêu Sài Gòn.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh tại buổi giao lưu.
Tác giả Mạc Thụy với những dòng viết mô phỏng đặc sệt lời ăn tiếng nói và phong thái của người Sài Gòn cũ ở Sài Gòn vẫn hát hóa ra là một chàng trai trẻ đến từ Phan Thiết. Anh tâm sự và trả lời chất vấn tại sao trẻ như vậy, đến Sài Gòn không lâu vậy mà anh lại viết về Sài Gòn như vậy: “Vì tôi thấy mình thuộc về Sài Gòn, yêu Sài Gòn, cảm xúc, cảm động về Sài gòn như tất cả các bạn vậy. Tôi muốn làm gì cho Sài Gòn, muốn ghi lại những gì của Sài Gòn còn chưa kịp mất đi. Bởi Sài Gòn trong tưởng tượng hồi nhỏ ở quê của tôi quá lung linh, quá đẹp”.
Chia sẻ với Mạc Thụy, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng: “Gần như không có ai là người Sài Gòn gốc như tất cả chúng ta ở đây. Chúng ta là những người yêu Sài Gòn nên đều là những người Sài Gòn”.
Tác giả Mạc Thụy (bìa phải) cùng MC giao lưu với nhạc sĩ Tuấn Khanh (giữa).
Sài Gòn vẫn hát như lời Mạc Thụy cho biết gồm những bài viết chủ yếu nói về những nghệ sĩ của Sài Gòn trước đây và bây giờ. Họ gồm những danh ca nổi tiếng như Phương Dung, Bạch Yến, Kim Anh hay những nghệ sĩ vô danh đêm đêm hát mưu sinh ở những phòng trà, quán cóc. Nhưng ai trong số họ đều có những thân phận, những nỗi niềm được tác giả đào xới, cảm nhận.
Nhiều bài viết trong sách nhấn mạnh về dòng nhạc bolero và những ca sĩ bolero. Ca sĩ Tuấn Khanh nói: “Bolero có thể hát ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, với bất cứ trang phục nào. Nên bolero đã như một hơi thở của Sài Gòn. Bolero đang trở lại với đời sống hiện nay giống như một sự trở lại của một người bạn cũ bị bỏ quên và ngày càng hòa nhập và có lại đời sống bình thường như nó từng tồn tại”.
TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ cảm xúc về Sài Gòn.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ: “Tôi ấn tượng với bài viết Sài Gòn cúi mặt nhìn nhau của Ubee Hoàng trong Sài Gòn vẫn hát viết về những gì đổi thay ở Sài Gòn. Những đổi thay đó có thể được cho rằng mới hơn, tân kỳ hơn, nhưng ở một góc nào đó linh hồn của thành phố, những góc riêng, sự hội tụ của nó đang bị mất dần. Không cách nào khác hơn, chúng ta buộc phải chấp nhận những điều đó. Tôi nhớ cái câu Ubee Hoàng viết: Ôi nếu những thay đổi đó xin hãy diễn ra chậm thôi để tôi còn kịp thấy Sài Gòn của tôi một lần nữa”.
Xuất hiện trong quyển sách với khá ít bài viết, song mỗi bài viết của Ubee Hoàng đều thật sự thu hút và để lại được cảm xúc cho người đọc. Bởi cách viết của Ubee không hoa mỹ như Mạc Thụy nhưng chân thật, giản dị, gan ruột nên đi vào lòng người đọc.
Buổi giao lưu tràn ngập một không khí bàng bạc của Sài Gòn xưa cũ với giọng ca của những nhân vật trong sách như Ánh Nguyệt, Ánh Hoàng. Đó là những giọng ca hay, giàu cảm xúc như cái chất văn nghệ của Sài Gòn xưa dù không may mắn được nhiều người biết đến.