Nghị án kéo dài vụ Sở VHTT TP Hà Nội bị kiện

(PLO)-  Hội đồng xét xử cho biết sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào hồi 16 giờ ngày mai (2-8).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là Công ty cổ phần truyền thông VIETART (VIETART) và người bị kiện là Sở VHTT TP Hà Nội.

Sở VHTT TP Hà Nội có đơn xin giải quyết vắng mặt nhưng có bài phát biểu gửi cho HĐXX.

Tại phiên tòa, đại diện công ty VIETART cho biết, đơn vị này đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình Ngôi sao Phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh lần đầu từ ngày 5-8-2022. Tuy nhiên do quá trình xử lý hồ sơ kéo dài mà không có căn cứ pháp luật của Sở VHTT TP Hà Nội, đến ngày 3-10-2022 (trước ngày biểu diễn 15-10-2022 là chín ngày làm việc) VIETART mới nhận được chấp thuận tổ chức chương trình.

Đại diện công ty VIETART trình bày tại phiên toà. Ảnh: HOÀ NGUYỄN.

Đại diện công ty VIETART trình bày tại phiên toà. Ảnh: HOÀ NGUYỄN.

Với thời hạn chín ngày còn lại VIETART cho biết không đủ thời gian để thực hiện các chiến dịch, hoạt động quảng cáo, không thể kịp thời gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn tới cơ quan có thẩm quyền do theo quy định tại Điều 29 của Luật Quảng cáo 2012, hồ sơ phải được gửi trước ngày thực hiện quảng cáo 15 ngày.

Trong khi đó, đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn là phương tiện quảng cáo chính, mang tính hiệu quả nhất.

Cùng với việc cho rằng các quyết định hành chính của Sở VHTT TP Hà Nội vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2020, VIETART cũng khẳng định các quyết định này xâm phạm trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của VIETART.

Doanh nghiệp này dẫn chứng việc Sở yêu cầu tổng duyệt chương trình cải lương trên sân khấu chương trình nhạc trẻ là không phù hợp.

Tại phiên tòa, Công ty VIETART cũng thay đổi mức yêu cầu bồi thường thiệt hại từ hơn 1 tỉ đồng xuống còn hơn 672 triệu đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự 1 ngàn đồng.

Chủ toạ phiên toà yêu cầu bên khởi kiện chứng minh và trình bày rõ hơn về những thiệt hại được đưa ra.

Bà Đoàn Thuý Phương, Tổng giám đốc VIETART cho biết: Tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn rất đặc thù được thể hiện bằng chi phí sản xuất chương trình.

Bà Phương cũng bày tỏ, mục đích của việc khởi kiện là cần có lời xin lỗi công khai, thiệt hại bao nhiêu không còn quan trọng nữa, cho dù 1 ngàn đồng hay 10 ngàn đồng cũng đồng ý.

Hội đồng xét xử cho biết sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào hồi 16g ngày 2-8-2023. Ảnh: HOÀ NGUYỄN

Hội đồng xét xử cho biết sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào hồi 16g ngày 2-8-2023. Ảnh: HOÀ NGUYỄN

Liên quan đến thời gian duyệt chương trình biểu diễn, ý kiến bằng văn bản của Sở VHTT TP Hà Nội cho biết: Hiện nay không có quy định thời gian duyệt trước ngày biểu diễn bao nhiêu ngày.

Trình bày quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS cho biết về trình tự thủ tục ban hành các văn bản của Sở VHTT TP Hà Nội là đúng quy định trình tự thủ tục thẩm quyền.

Về thời gian tổng duyệt vở diễn, Viện kiểm sát cho rằng thời gian này đảm bảo quyền lợi cho công ty VIETART và thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không gây phiền hà đối với doanh nghiệp, việc VIETART cho rằng có sự thay đổi thời gian, địa điểm tổ chức tổng duyệt gây khó khăn là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu về công khai xin lỗi VIETART trên các phương tiện thông tin đại chúng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, Viện kiểm sát nhận thấy Sở VHTT TP Hà Nội tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị chấp thuận biểu diễn chương trình của VIETART là đúng quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty VIETART.

Hội đồng xét xử cho biết sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào hồi 16g ngày mai (2-8).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm