Sở VH-TT Hà Nội phản hồi thông tin 'nhà sản xuất gặp khó khi đưa cải lương miền Nam ra Hà Nội'

(PLO)- Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội vừa có văn bản phản hồi thông tin về quá trình giải quyết hồ sơ biểu diễn nghệ thuật của Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-10, Báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết "Đưa cải lương từ miền Nam ra Hà Nội, nhà sản xuất than khó việc quảng bá", trong đó, phản ánh ý kiến của Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart (Vietart) về vấn đề cấp phép chấp thuận biểu diễn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh tại Hà Nội.

Theo Vietart, vở cải lương được trình diễn tối 15 và 16-10 thưa vắng người xem, không tiếp cận được đông đảo khán giả Thủ đô một phần do những trục trặc, chậm trễ trong quá trình làm thủ tục ở Sở Văn hòa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội.

Hình ảnh trong đêm diễn. Ảnh: NSX
Hình ảnh trong đêm diễn. Ảnh: NSX

Phản hồi về thông tin này, trong văn bản gửi Báo Pháp Luật TP.HCM hôm nay (19-10), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết hồ sơ đề nghị chấp thuận biểu diễn nghệ thuật của Vietart được cơ quan này tiếp nhận ngày 5-8. Quá trình thụ lý hồ sơ, cơ quan quản lý thấy Vietart chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật, chưa cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu vở cải lương Tiếng trống Mê Linh.

Quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Sở nhiều lần nhận được văn bản của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đề nghị hỗ trợ nhắc nhở, xử lý Vietart về việc chưa thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả âm nhạc đối với chương trình biểu diễn.

Từ thực tế ấy, trên cơ sở quy định hiện hành, Sở VH-TT Hà Nội đã đề nghị Vietart thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu vở cải lương Tiếng trống Mê Linh.

Sau khi Vietart bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, Hội đồng nghệ thuật đã tiến hành thẩm định, đánh giá về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật của kịch bản. Quá trình sau đó, Vietart đã chỉnh sửa kịch bản theo ý kiến Hội đồng nghệ thuật.

Trong khoảng thời gian này, ngày 23-8, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là VCPMC với bị đơn là Vietart. Bản án sơ thẩm tuyên VCPMC thắng kiện. Tuy nhiên, Vietart sau đó kháng cáo.

Ngày 12-9, Vietart gửi hồ sơ với kịch bản đã chỉnh sửa. Theo quy định, Hội đồng nghệ thuật tiếp tục đánh giá một lần nữa. Đến ngày 3-10, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng nghệ thuật, Sở VH-TT Hà Nội đã ban hành công văn thông báo chấp thuận để Vietart tổ chức chương trình nghệ thuật vở cải lương Tiếng trống Mê Linh tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 15 và 16-10 theo đúng quy định. Theo đó, 14g ngày 12-10 sẽ tiến hành tổng duyệt để đảm bảo chương trình có chất lượng nghệ thuật tốt nhất phục vụ công chúng Thủ đô.

Theo nhà sản xuất, hai đêm diễn có vé tặng và tri ân rất nhiều để khán phòng không bị trống chỗ ngồi và các nghệ sĩ không tủi thân.
Theo nhà sản xuất, hai đêm diễn có vé tặng và tri ân rất nhiều để khán phòng không bị trống chỗ ngồi và các nghệ sĩ không tủi thân.

Tuy nhiên, ngày 10-10, Vietart có văn bản đề nghị Sở lùi thời gian tổng duyệt đến 14g ngày 15-10. Sở đã chấp thuận và tiến hành tổng duyệt theo thời gian mà Vietart đề nghị...

Một cách tổng quát, Sở VH-TT Hà Nội đánh giá quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của Vietart là đúng quy định của pháp luật.

Về phía Vietart, hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định, phải hoàn thiện, bổ sung nhiều lần. Bản thân doanh nghiệp này có nhiều vi phạm về quảng cáo và các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Vì vậy, quá trình thẩm định, giải quyết hồ sơ, Sở VH-TT Hà Nội rất thận trọng.

"Đây là việc làm hết sức cần thiết của cơ quan quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là các chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật" - văn bản của Sở VH-TT Hà Nội nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm