Có thể xử án hành chính trực tuyến ở cấp phường

(PLO)- Chánh án TAND TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết có thể xét xử trực tuyến án hành chính ở cấp phường nếu chủ tịch UBND phường bị kiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong nhiều vụ kiện hành chính, việc người bị kiện (thường là lãnh đạo các cơ quan nhà nước) vắng mặt tại tòa là một trong những nguyên nhân chính làm vụ án kéo dài, gây bức xúc cho người dân. Việc xử án hành chính theo hình thức trực tuyến có thể khắc phục điều này.

Khắc phục việc người bị kiện vắng mặt

Ngày 15-5 vừa qua, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên xử trực tuyến vụ án hành chính kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế và yêu cầu hoàn tiền thuê đất, chậm nộp thuế với điểm cầu trụ sở tòa này kết nối với điểm cầu tại trụ sở TAND tỉnh Khánh Hòa. Việc này giúp người bị kiện không cần di chuyển từ Khánh Hòa đến Đà Nẵng để tham gia phiên tòa.

Ông Lê Hữu Hoàng (bìa phải) tham dự phiên tòa trực tuyến. Ảnh: TA
Ông Lê Hữu Hoàng (bìa phải) tham dự phiên tòa trực tuyến. Ảnh: TA

Vụ án này, người khởi kiện là Công ty CP Fococev Việt Nam. Người bị kiện là UBND tỉnh Khánh Hòa và Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã ủy quyền cho ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa có mặt tại điểm cầu trụ sở TAND tỉnh Khánh Hòa tham gia phiên xét xử.

Gần đây nhất, ngày 29-5, TAND TP Thủ Đức (TP.HCM) cũng tổ chức thành công phiên xử vụ án hành chính trực tuyến đầu tiên với điểm cầu trung tâm tại trụ sở tòa và điểm cầu thành phần tại trụ sở Chi cục Thuế TP Thủ Đức.

Bà Trịnh Thị Kia kiện Chi cục Thuế TP Thủ Đức yêu cầu hủy thông báo nộp tiền lệ phí trước bạ, miễn và hoàn lại cho bà số tiền lệ phí đã nộp 682.100 đồng.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND TP Thủ Đức Nguyễn Thành Vinh cho biết thực hiện Nghị quyết 33 (ngày 12-11-2021) của Quốc hội, Thông tư liên tịch 05/2021 và hướng dẫn của TAND Tối cao về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND TP Thủ Đức đã tiến hành xét xử trực tuyến các loại án như dân sự, hình sự và mới nhất là hành chính.

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Được biết TAND TP Thủ Đức là đơn vị đầu tiên trong cả nước đề xuất mô hình xét xử án bằng hình thức trực tuyến. Mô hình này sau đó được áp dụng rộng rãi.

Ông Vinh cũng cho biết nếu đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, có thể xét xử trực tuyến án hành chính ở cấp phường nếu chủ tịch UBND phường bị kiện.

Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại

Kiểm sát viên Đoàn Thị Thảo, VKSND TP Thủ Đức cho biết việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là đối với án hành chính có rất nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ đối với các phiên tòa hành chính, người bị kiện thường giữ các chức vụ lãnh đạo trong cơ quan nhà nước và chỉ cử người đại diện tham gia.

Tuy nhiên, qua việc xét xử trực tuyến, điểm cầu trung tâm tại tòa án kết nối với các điểm cầu thành phần sẽ tạo điều kiện để người bị kiện có mặt. Do đó, tới phần xét hỏi, VKS có thể hỏi những nội dung trọng tâm, những tình tiết quan trọng để làm rõ bản chất vụ án. “Mong rằng các phiên tòa trực tuyến xét xử án hành chính sẽ được phổ biến hơn” - bà Thảo nói.

Từng tham gia nhiều phiên tòa trực tuyến, ThS - luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc xét xử trực tuyến có nhiều thuận lợi, đặc biệt là với án hành chính.

Hiện nay, việc xử án hành chính có điểm vướng khiến tỉ lệ giải quyết án không cao, thời gian bị kéo dài. Một phần lý do là vì người bị kiện (thường là lãnh đạo các cơ quan nhà nước) thường không tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp phó, cấp phó lại làm đơn xin xét xử vắng mặt. Vì vậy, vụ án không tổ chức đối thoại được, phải đưa ra xét xử, khó kết thúc sớm.

Do đó, khi tổ chức phiên tòa hành chính trực tuyến thì bị kiện và kể cả người khởi kiện (là người dân) được tham gia phiên xử ở điểm cầu phù hợp. Điều đó sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển đi lại không chỉ cho ngân sách của Nhà nước mà cả người tham gia tố tụng.

Điều này thể hiện ở việc vụ án đã đến cấp phúc thẩm, người bị kiện là lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở các tỉnh khó có thể sắp xếp khối lượng công việc lớn để có thể tham dự phiên tòa được tổ chức tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, Hà Nội hay TP.HCM. Chưa kể phiên tòa có thể bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần.

Cũng theo ThS-LS Dũ, với phiên tòa trực tuyến thì số lượng người tập trung tại từng điểm cầu sẽ giảm, từ đó giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm. Thậm chí trong trường hợp có dịch, vụ án vẫn có thể được xét xử trực tuyến mà không phải đợi hết dịch.

Cần đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất

Hiện nay, việc xét xử trực tuyến phụ thuộc rất lớn vào hệ thống mạng Internet, trang thiết bị điện tử thu, phát truyền dữ liệu, hệ thống điện, phòng xét xử, màn hình trình chiếu… Nếu không được đầu tư đầy đủ và đúng tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phiên tòa cũng như kết quả xét xử.

Cạnh đó, hệ thống mạng Internet liên quan đến việc truyền dẫn dữ liệu, thông tin giữa các điểm cầu nên vấn đề bảo vệ bí mật dữ liệu cũng cần được đặt ra. Do đó, để việc xử án trực tuyến được thuận lợi thì cần đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 05/2021 về hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

ThS-LS NGUYỄN VĂN DŨ, Đoàn LS TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm