Rajeshwari Singh, đến từ Vadodara thuộc miền tây Ấn Độ, có kế hoạch đến New Delhi, thủ đô nước này. Tuy nhiên, có gái 32 tuổi không sử dụng phương tiện dễ dàng như ô tô, xe lửa… mà lại chọn cách thức di chuyển khá mệt nhọc: đi bộ.
Ý nghĩa trên từng bước chân
Theo website của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc đăng tải, ngày 22-4, Singh bắt đầu hành trình đi bộ qua 22 thành phố lớn với quãng đường hơn 1.100 km. Nhiệt độ tăng cao trên khắp khu vực Bắc Ấn Độ khiến người ta liên tưởng đến mùa hè phồng rộp, nóng bỏng.
Túi nylon bị mắc vào các cành cây là lời cảnh bá về ô nhiễm được trưng bày tại Ngày hội Sống xanh TP.HCM. Ảnh: MINH TÚ
Thời tiết khắc nghiệt, cộng với nguy hiểm rình rập, chắc chắn quãng đường cô gái trẻ đi qua đầy rẫy những khó khăn. Thế nhưng, mọi chướng ngại không ngăn cản bước chân của Singh đến với tương lai không còn ô nhiễm. “Chất thải của tôi, trách nhiệm của tôi”, Singh mang trong mình khẩu hiệu đầy ý nghĩa với mong muốn mỗi bước chân của cô sẽ là lời kêu gọi mọi người nhận thức về sự ô nhiễm do nhựa gây ra.
Cô chia sẻ “Tôi đang đi bộ với sự ô nhiễm hoàn toàn ở mức 0%, tránh bất kỳ loại thực phẩm đóng gói bằng nhựa, đồ uống hoặc thậm chí cả nước. Tôi không sử dụng bất kỳ loại nhựa nào trong nhiều năm qua, tôi sẽ gặp những người trên đường và tương tác với họ”. Dẫu chặng đường ấy phủ đầy khó khăn nhưng Singh vẫn cố gắng trên từng bước đi của mình. Cô hy vọng rằng sự nỗ lực này sẽ được đổi lại là tăng nhận thức của người dân trong tình trạng ô nhiễm nhựa.
Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề lớn của mọi quốc gia trên thế giới. Sự thật chúng ta phải thừa nhận là con người vẫn đang phải chật vật để giảm bớt lạm dụng nhựa và ô nhiễm do nó gây ra. Thế nhưng nhiệm vụ này có vẻ như rất khó thực hiện bởi qua rất nhiều năm, nó đã từng bước len lỏi, ăn sâu vào thói quen của từng người.
Nơi nào cũng ngập tràn túi nylon
Mỗi sáng Chủ nhật, anh L. (Gò Vấp) thường ghé vào quán cà phê quen thuộc, cho phép mình thả lỏng, thư giãn, nghỉ ngơi. Kêu món uống ưa thích, anh L. khá bất ngờ khi nó đã được chuyển từ cốc sứ sang ly nhựa mà giới trẻ vẫn gọi là “take away”.
Cảm giác hụt hẫng là thứ đầu tiên dâng trào trong lòng mình. “Dễ hiểu thôi, quán đông, người gọi nước thì nhiều, nhân viên không rửa ly tách kịp nên họ chuyển sang ly nhựa cho tiện, dùng một lần rồi quẳng đi là xong. Nhưng mình cảm giác nó không còn là thức uống như xưa nữa”, anh L. buồn bã nói. Có lẽ, nhịp sống đô thị đã khiến con người ta chạy theo nhu cầu có thật: các dịch vụ phải nhanh và tiện lợi.
Trong gánh hàng của chị bán rong hay ở các sạp chợ, đồ dùng không thể thiếu là túi nylon. Vài quả chanh, ớt để riêng một túi, một chiếc bắp cải cũng riêng một túi, túi khác dành cho dăm ba quả cà chua… Tất cả lại được chứa trong một túi nylon khác, có điều chiếc túi này lớn hơn. Nếu bạn phải bỏ ra vài chục đến hơn 100.000 đồng để sở hữu chiếc túi vải thì túi nylon xem ra là giải pháp dễ chịu. Tại các quầy tính tiền ở cửa hàng, túi nylon được xếp gọn gàng trong ngăn với đủ kích cỡ, rất dễ lấy. Cô thu ngân thao tác nhanh nhẹn, thoăn thoắt bỏ hàng cho khách vào các túi nylon. Điều này có vẻ khó thực hiện khi các túi giấy nặng hơn, chiếm nhiều diện tích hơn.
Rẻ, dễ mua, dễ sử dụng, nhẹ, thậm chí còn được phát miễn phí, túi nylon ngày càng tràn ngập. Cũng bởi cuộc sống chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào loại túi nylon nên việc nghĩ đến chuyện không có nó quả là rất khó mà đôi khi quên đi sự hiện diện của các loại túi khác hay những loại hộp đựng có thể sử dụng nhiều lần. Để trả giá cho sự lạm dụng túi nylon, môi trường chúng ta đang sống bị ảnh hưởng rất nhiều. Dẫu đó có là túi nylon thông thường hay túi dễ phân hủy thì chúng cũng cần rất nhiều năm để có thể tan biến hoàn toàn.
Ở thế giới hiện đại, con người bị cuốn theo nhịp sống vội vã hàng ngày. Và thế là những chiếc túi nylon trở thành trợ thủ đắc lực cho sự tiện dụng. Cũng vì vậy mà năm 2018, ngày Môi trường thế giới đặt ra suy nghĩ cho mọi người trong bối cảnh xã hội chìm ngập bởi túi nylon và chất thải nhựa. Làm sao giảm sử dụng nhựa, giảm ô nhiễm nhựa là điều chúng ta cần tìm ra lời giải một cách cấp thiết.