Ông Hoàng Kim Chiến (Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam) cho biết từ năm 2011 đến cuối năm 2014, cả nước đã có hơn 50.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài (trung bình mỗi năm hơn 10.000 người). Trong đó, khu vực phía Nam có hơn 38.000 người (chiếm 76%), chủ yếu là kết hôn với người Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan.
Khó làm rõ mục đích kết hôn thật sự
Theo ông Chiến, chuyện công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài xuất phát từ tình cảm chân chính là có nhưng khá hạn chế, chủ yếu chỉ xảy ra giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc những người có điều kiện làm việc, học tập với nhau.
“Đa phần họ kết hôn vì trục lợi, vì mục đích kinh tế. Khi họ thấy bạn bè, người thân kết hôn với người nước ngoài hoặc những người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước ăn mặc sang trọng, hào nhoáng, họ chấp nhận mai mối lấy chồng ngoại quốc để được bảo lãnh ra nước ngoài, nhập tịch nước ngoài, để đổi đời” - ông Chiến khẳng định.
Trước thực trạng trên, nhằm làm rõ mục đích kết hôn, sự tự nguyện, mối quan hệ, sự hiểu biết của hai bên khi đăng ký kết hôn, các Sở Tư pháp sẽ phải phỏng vấn và xác minh. Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng sẽ không cho kết hôn nếu qua xác minh có dấu hiệu cho thấy kết hôn nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, lợi dụng kết hôn nhằm mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, kết hôn giả nhằm mục đích xuất cảnh.
Làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, bà Trần Thị Hồng Nhung (Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp Sở Tư pháp tỉnh Long An) cho biết thực tế qua phỏng vấn thì rất khó xác định mục đích kết hôn và tính tự nguyện của các đương sự bởi để đạt được mục đích, họ sẵn sàng “tuyên thệ đủ thứ”. Mặt khác, người đăng ký kết hôn đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định về hồ sơ, không vi phạm điều kiện kết hôn, chuẩn bị kỹ các câu trả lời nên cơ quan chức năng không có cơ sở để từ chối giải quyết. Nhiều trường hợp qua thẩm tra, phỏng vấn thấy có nghi vấn là môi giới kết hôn trái pháp luật, kết hôn giả nhằm mục đích xuất cảnh nhưng kết quả xác minh lại chưa phát hiện được. Hoặc nhiều trường hợp nam nữ kết hôn tuổi tác chênh lệch quá lớn nhưng cơ quan chức năng cũng khó từ chối vì không có quy định rõ ràng.
Xung đột pháp luật, giải quyết sao?
Ngoài việc khó xác định mục đích kết hôn thật sự, các đại biểu còn cho biết thực tiễn quản lý việc kết hôn có yếu tố nước ngoài còn gặp một số vướng mắc khác vì chưa có hướng dẫn.
Vướng mắc đầu tiên là có xung đột giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước khác. Chẳng hạn Hàn Quốc cho phép kết hôn có thể vắng mặt một bên. Trung Quốc trước khi cấp visa cho công dân Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc định cư theo diện kết hôn không yêu cầu đương sự tiến hành ghi chú kết hôn tại Việt Nam sau khi đã đăng ký kết hôn tại Trung Quốc. Do đó, các sở Tư pháp không xác định được việc sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam để đăng ký kết hôn với người Trung Quốc tại Trung Quốc có đúng mục đích hay không.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh cho biết đã gặp trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy đàn ông Malaysia đã có vợ (luật Malaysia cho phép đàn ông theo đạo Hồi lấy bốn vợ), đăng ký kết hôn ở Malaysia rồi về Việt Nam xin ghi chú kết hôn. Không biết giải quyết sao, Sở Tư pháp tỉnh này đành gửi văn bản hỏi ý kiến Cục Hộ tịch nhưng đến nay vẫn chưa được hướng dẫn.
Ngoài ra, đại diện một số sở Tư pháp còn đặt câu hỏi: Nhiều trường hợp công dân Việt Nam không được cơ quan chức năng Việt Nam cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài. Nhưng bằng cách nào đó họ vẫn kết hôn được ở nước ngoài, nay họ quay về nước xin ghi chú kết hôn thì có thể ghi chú, công nhận hôn nhân của họ hay không? Có trường hợp xin đi Malaysia để du lịch rồi kết hôn, quay về sinh con tại Việt Nam. Vậy phải giải quyết ra sao vì thực tế họ chưa ghi chú kết hôn lần nào?
Cần bổ sung quy định Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như Luật Hộ tịch không có quy định nào về việc cấp giấy chứng nhận kết hôn cho trường hợp công dân Việt Nam lấy người nước ngoài đã có vợ (chồng). Do đó, các bên không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế nếu từ chối thì sẽ phát sinh nhiều khiếu nại. Ở góc độ quốc tế, tôi đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch là nếu có xung đột với các nguyên tắc về hôn nhân gia đình của pháp luật Việt Nam như chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì không cấp giấy chứng nhận kết hôn chứ như quy định hiện hành thì chưa rõ. Với trường hợp xin đi nước ngoài du lịch nhưng lại kết hôn ở nước ngoài rồi quay về sinh con tại Việt Nam, điểm d khoản 1 Điều 36 Nghị định 126/2014 quy định nếu có vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn nhưng hậu quả đã được khắc phục hoặc việc công nhận kết hôn có lợi cho phụ nữ và trẻ em thì được công nhận. Theo tôi, cách giải quyết này phù hợp với Công ước La Haye 1978 về công nhận việc kết hôn. ÔngNGUYỄN THANH TÚ, Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp Làm rõ tình trạng hôn nhân Hiện nay, các sở Tư pháp căn cứ vào hồ sơ độc thân do đương sự cung cấp để công nhận việc kết hôn, nếu có xác minh thì chỉ có điều kiện xác minh tình trạng nhân thân của công dân Việt Nam. Trong khi đó, vẫn có trường hợp người nước ngoài đã kết hôn và ly hôn (có bản án) nhưng hồ sơ độc thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho họ lại thể hiện họ chưa kết hôn lần nào. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Ngoại giao có biện pháp thống nhất để tạo thuận lợi cho việc xác định tình trạng độc thân của người nước ngoài. Chẳng hạn đối với hồ sơ Đài Loan, tình trạng hôn nhân được thể hiện trong bản sao hộ tịch; hồ sơ Hàn Quốc thì được thể hiện trong giấy chứng nhận quan hệ hôn nhân. Ông LÊ TRIẾT NHƯ VŨ, Trưởng phòng |