Đầu năm học mới, phóng viên có dịp đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để gặp thầy Nguyễn Quyết Thắng - một giáo viên khiếm thị dạy Toán, đã trở thành nguồn cảm hứng cho học sinh và đồng nghiệp.
Quyết tâm theo đuổi môn Toán
Sinh ra và lớn lên tại Lâm Đồng, thầy Thắng có một tuổi thơ bình yên như bao đứa trẻ khác. Nhưng mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi thầy 13 tuổi, đôi mắt dần trở nên mờ nhạt, sau đó thì không thể thấy gì nữa.
Ở độ tuổi thiếu niên, việc nghỉ học và phải sống trong bóng tối vĩnh viễn là điều không thể tưởng tượng.
“Ba mẹ khuyên tôi nghỉ học vì tôi viết chữ quá xấu, đến giáo viên cũng không thể đọc nổi. Sau một thời gian ở nhà, khi biết ở thành phố có trường cho người khiếm thị, tôi quyết tâm quay lại con đường học tập. Được đi học, tôi mừng lắm. Tôi nghĩ nếu mình bỏ lỡ cơ hội này, sẽ không còn cơ hội nào khác” - thầy Thắng trải lòng.
Sau một năm miệt mài học chữ nổi, thầy trở về lớp học với những người bạn bình thường. Thời điểm đó sách giáo khoa cho người khiếm thị còn hiếm, nhưng thầy Thắng vẫn nỗ lực tiếp thu kiến thức như bao bạn học khác và liên tục giành học bổng xuất sắc toàn trường.
Thử thách chưa dừng lại ở đó. Khi bày tỏ ước mơ theo đuổi môn Toán, nhiều người khuyên thầy nên từ bỏ, với lý do là trước đây không có ai khiếm thị mà đi học Toán.
"Hồi còn học phổ thông, hiệu trưởng từng khuyên tôi nên chuyển sang học những môn dễ hơn như Văn hoặc tiếng Anh vì học Toán rất khó. Nhiều người học rồi bỏ cuộc giữa chừng" - thầy Thắng nói.
Khi đến Phòng Đào tạo của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, thầy cũng nhận được lời khuyên như trên. Tuy vậy, thầy vẫn tha thiết được thi vào ngành Toán, nếu không đậu thì thôi, đậu mà không học được thì thầy sẽ tự nguyện xin nghỉ.
Trước quyết tâm mãnh liệt của thầy Thắng, một thầy giáo ở Phòng Đào tạo đã đưa cho thầy Thắng số điện thoại của thầy Nguyễn Thái Sơn, Trưởng khoa Toán của trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Cuộc gặp gỡ với thầy Sơn giống như định mệnh, thầy Thắng xúc động kể: "Dù trước mắt là màn đêm tăm tối nhưng việc gặp thầy Sơn chính là tia sáng đời tôi.
Thầy Sơn nói thầy sẽ đọc đề cho tôi một lần duy nhất, nếu tôi giải được đề thầy ra thì tiếp tục học. Thật may, tôi có thể hình dung ra toàn bộ bài toán và trong vòng 3 phút, tôi đã giải xong.
Cũng nhờ đó mà thầy Sơn liền chấp nhận và nói với tôi ở bên Nga, có một giáo sư mất thị lực từ năm 13 tuổi nhưng vẫn trở thành giáo sư. Vậy nên việc tôi học đại học chẳng có gì khó cả. Tôi có khả năng học Toán.
Việc được theo học Toán mới chỉ là khởi đầu. Để thuyết phục toàn bộ đội ngũ giáo viên trong khoa, thầy Sơn đưa thầy Thắng lên gặp Ban chủ nhiệm khoa và các giảng viên khác. Ban Chủ nhiệm khoa giao bài toán hình học không gian để thầy Thắng làm thử. Sau khi hoàn thành, họ mới đồng ý cho thầy Thắng thi vào ngành Toán.
Gần đến ngày thi, thầy Nguyễn Thái Sơn báo cho thầy Thắng một tin bất ngờ, theo chính sách mới, người khuyết tật có thể được tuyển thẳng nếu trường xét thấy phù hợp. Nhờ đó, thầy Thắng đã được tuyển thẳng vào khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Động lực cho đồng nghiệp và học trò
Việc thầy giáo khiếm thị dạy Toán không chỉ là tấm gương sáng về sự kiên trì và nỗ lực mà còn là nguồn động lực lớn cho cả đồng nghiệp lẫn học trò. Bởi theo lời cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, dạy Toán đã khó, dạy Toán cho học sinh khiếm thị còn khó khăn gấp bội.
“Thầy Thắng không chỉ xuất sắc trong môn Toán, mà còn thông thạo tiếng Anh và từng tham gia giảng dạy Toán cho học sinh khiếm thị tại Malaysia và Indonesia. Thầy Thắng rất tận tâm với học sinh” - cô Huệ bày tỏ.
Khi mới nhận nhiệm vụ tại trường, cô Huệ cho hay bản thân gặp nhiều áp lực, lúc nản chí thì được thầy Thắng chia sẻ: “Cô Huệ đừng đi đâu nữa nhé, cô cứ ở lại trường với chúng em". Những lời chân thành của thầy Thắng đã tiếp thêm động lực cho cô, trở thành nguồn cảm hứng giúp cô Huệ gắn bó với ngôi trường cho đến hôm nay.
Nguyễn Huỳnh Long, một học trò của thầy Thắng, xúc động nhớ lại thời gian khó khăn sau khi mất thị lực hoàn toàn vào cuối lớp 10. Nhờ sự hỗ trợ từ thầy Thắng và vợ thầy, Long đã dần trở lại con đường học tập.
“Thầy là ân nhân của tôi. Khi tôi học lại, thầy không chỉ dạy kèm toán miễn phí mà còn giúp tôi sử dụng máy tính cho người khiếm thị. Thầy là động lực giúp tôi tìm lại ánh sáng trong cuộc sống” - Long chia sẻ.
Ông Vũ Huy Tuấn, người bảo vệ tại trường suốt hơn 20 năm, bày tỏ sự quý mến đối với thầy Thắng: “Mỗi lần tôi thấy thầy đến trường là tôi lên tiếng chào, thầy nhận ra tôi ngay. Sự vui vẻ, hòa đồng của thầy truyền năng lượng tích cực cho tôi và mọi người xung quanh rất nhiều”.
Không chỉ dạy cho học trò ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy Thắng còn đến hỗ trợ cho các em ở mái ấm bên ngoài. Soeur Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Mái ấm huynh đệ Như Nghĩa cũng bày tỏ: “Thầy Thắng là một tấm gương về sự hy sinh và nghị lực trong công việc và cuộc sống. Sau những giờ làm việc vất vả, thầy vẫn tiếp tục dạy cho các em đến tận 8 giờ tối mới về nhà”.
Không ngừng tìm tòi và sáng tạo
Suốt 14 năm gắn bó với nghề, thầy Thắng không ngừng tìm cách đáp ứng nhu cầu học tập của học trò, nghiên cứu các phương pháp tính toán, tham gia Hội Người mù TP.HCM, phát hiện và giúp đỡ nhiều học sinh khiếm thị.
Việc học Toán với người khiếm thị vẫn là một thách thức lớn, bởi ngay cả người bình thường, môn học này đã rất khó.
Cô Châu Thị Hiếu, Giảng viên Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết giáo viên Toán trên trường dạy rất nhanh, các bạn bình thường phải tưởng tượng rất nhiều và không có sử dụng mô hình giống như ở trường Nguyễn Đình Chiểu.
“Đối với những học sinh dần mất thị lực như thầy Thắng, các bạn vẫn có thể hình dung được một phần các khái niệm về không gian, đường thẳng, đoạn thẳng. Điều này giúp các em học Toán dễ dàng hơn so với các bạn khiếm thị bẩm sinh. Do đó, thầy Thắng phải quay lại phụ đạo từ đầu, vừa là người dạy chính vừa dạy kèm thêm phụ đạo ở trường".
Cạnh đó, cô Hiếu còn cho biết thầy Thắng thường xuyên đề xuất, gợi ý các mô hình hỗ trợ học sinh khiếm thị, nhờ hiểu rõ những khó khăn mà các em gặp phải. Không chỉ giỏi Toán, thầy Thắng còn dạy tiếng Anh và kèm riêng cho học sinh ở trường.
Cô Nguyễn Thị Kim Phượng, Tổ trưởng Tổ Trung học Hướng nghiệp tại trường chia sẻ: “Thầy phát triển nhiều mô hình giúp học sinh dễ dàng hình dung và hiểu bài. Không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất tâm huyết, nhiệt tình và luôn tìm cách để giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách thực tế nhất.
Tôi làm việc với thầy bao năm, phần thưởng cao quý nhất dành cho thầy mà không có bằng khen nào sánh được chính là tấm lòng của phụ huynh, học trò, đồng nghiệp và cả tôi nữa”.