Nghị quyết 98, cú hích cho hàng loạt dự án giao thông lớn ở TP.HCM

Nghị quyết 98, cú hích cho hàng loạt dự án giao thông lớn ở TP.HCM

(PLO)- Hàng loạt tuyến đường, cây cầu kết nối sẽ được hình thành ở TP.HCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 nhờ Nghị quyết 98.

Ngay sau khi Nghị quyết (NQ) 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chính thức được ban hành, TP đã nhanh chóng vào cuộc triển khai các nội dung, trong đó TP đã tận dụng ngay các cơ chế đặc thù để phát triển về hạ tầng giao thông.

Nhằm tìm hiểu thêm về việc NQ 98 sẽ tác động đến giao thông đô thị TP.HCM như thế nào, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông).

Nghị quyết 98 được ban hành sẽ là cú hích để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: KC

Nghị quyết 98 được ban hành sẽ là cú hích để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: KC

Làn gió mới thay đổi diện mạo TP.HCM

. Phóng viên: Thưa ông, NQ 98 vừa được ban hành sẽ tác động thế nào đến cơ chế thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn TP?

+ Ông Lương Minh Phúc: NQ 98 được thông qua thực sự mang đến một làn gió mới, làn gió này sẽ làm thay đổi diện mạo TP.HCM. Hơn hết, đây cũng sẽ là cánh cửa mở ra nhiều cơ chế, tạo sức đột phá cho TP.HCM.

Ông Lương Minh Phúc

Ông Lương Minh Phúc

Cụ thể, NQ 98 sẽ cho phép TP.HCM được làm BOT trên đường hiện hữu, cho phép thực hiện dự án BT chả trậm bằng tiền. Bên cạnh đó, TP sẽ được khai thác quỹ đất và hình thành các dự án độc lập được quy hoạch theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) của tuyến metro số 1, metro số 2 và một số nút giao, khu đất tiềm năng của đường vành đai 3.

Ngay sau khi có NQ 98, Thành ủy đã tổ chức hội nghị, thực hiện ngay chương trình hành động, phân công tổ công tác của nhiều sở, ngành. Riêng đối với ngành giao thông đã có Tổ tạo quỹ đất và nguồn lực từ TOD dọc đường vành đai 3 và tuyến metro. Đồng thời, Sở GTVT TP và Ban giao thông cũng đã được giao phối hợp lập dự án tiền khả thi, mời gọi đầu tư cho những dự án được ứng dụng cơ chế mới của NQ 98.

NQ 98 sẽ là một cánh cửa mở ra, là một cầu nối đón được dòng vốn từ xã hội đầu tư cho hạ tầng giao thông. Bởi lẽ hiện nay bài toán cân đối nguồn vốn cho hạ tầng giao thông vẫn đang phải trông cậy đến 50% từ nguồn lực xã hội. Cơ chế mới là sự cụ thể hóa, biến nguồn lực thành hiện thực và là cách xã hội hóa từ nguồn vốn, nhân lực trong tương lai.

Nhiều hợp đồng BT được thanh toán bằng tiền

. Cụ thể là các dự án giao thông nào sẽ được “mở cơ chế” để TP thực hiện ngay trong thời gian tới, thưa ông?

+ Đầu tiên, đối với các dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu, hiện Sở GTVT TP đang chủ trì, Ban giao thông đang phối hợp xây dựng nghiên cứu tiền khả thi, mời gọi đầu tư với hàng loạt dự án như Quốc lộ (QL) 22, QL 13, cầu đường Bình Tiên…

Các dự án này sẽ được đầu tư trên đường hiện hữu, nếu mời gọi đầu tư thuận lợi sẽ huy động được khoảng 21.000 tỉ đồng. Mặt khác, nếu sử dụng nguồn vốn ngân sách để làm các dự án trên sẽ “rất căng” và khó triển khai đồng bộ nhiều dự án.

Giai đoạn 2021-2023 chưa huy động được các nguồn lực xã hội Theo Sở GTVT TP.HCM, trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách TP còn hạn chế (bố trí khoảng 75.760 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 28,5% nhu cầu), chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2021-2023, TP đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 công trình, dự án như cầu Thủ Thiêm 2, đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký, đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Bưng, cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè..., góp phần kéo giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông tại khu vực. Sở GTVT cũng cho biết các hình thức đầu tư khác (hợp đồng BT, BOT...) trong giai đoạn 2021-2023 chưa huy động được các nguồn lực xã hội, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án vành đai 2 dang dở nhiều năm nay vì vướng phụ lục hợp đồng BT. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Dự án vành đai 2 dang dở nhiều năm nay vì vướng phụ lục hợp đồng BT. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Thứ hai là các dự án BT được trả chậm bằng tiền, TP sẽ mời gọi đầu tư các dự án như đường Nguyễn Hữu Thọ mở rộng và đấu nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành sau này và kết nối với đường vành đai 3. Bên cạnh đó là đường song hành Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), con đường này sau khi hoàn thành sẽ giảm tải cho QL 22. Đồng thời, khi có đường vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giảm tải cho QL 22, tạo điều kiện kết nối với hai tuyến đường trên.

Tương tự, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài liệt sĩ có tổng mức đầu tư dự kiến 3.196 tỉ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.600 tỉ đồng) và dự án xây dựng nút giao thông ngã tư Bốn Xã có tổng mức đầu tư dự kiến 1.727 tỉ đồng cũng sẽ được triển khai bằng hình thức BT trả chậm bằng tiền.

Các dự án trên nếu kêu gọi thuận lợi, thu hút được nhà đầu tư tiềm năng sẽ kêu gọi được khoảng 15.000 tỉ đồng, giảm tải rất nhiều cho đầu tư công, ngân sách nhà nước.

Đối với các dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu, hiện Sở GTVT TP đang chủ trì, Ban giao thông đang phối hợp xây dựng nghiên cứu tiền khả thi, mời gọi đầu tư với hàng loạt dự án như QL 22, QL 13, cầu đường Bình Tiên…

Chuẩn bị đầu tư dự án cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4…

. Ngoài các dự án triển khai ngay, thời gian tới TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các dự án giao thông tầm cỡ nào và sẽ tận dụng NQ 98 như thế nào, thưa ông?

+ Tận dụng cơ chế của NQ 98, TP sẽ chuẩn bị đầu tư các dự án như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và hai tuyến đường trên cao cũng đang hình thành các danh mục chi tiết để mời gọi đầu tư (có thể là theo hình thức BT). Ngay trong quý III, IV, chúng tôi sẽ tập trung chuẩn bị, triển khai thật nhanh để năm 2024 có nhiều dự án triển khai bằng hình thức mới này.

Tiêu biểu nhất là dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng sẽ được áp dụng cơ chế mới từ NQ 98. Theo đó, ngay trong kỳ họp HĐND TP.HCM này, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Như vậy, nếu HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư, cuối năm 2023 duyệt dự án, năm 2024 sẽ triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và năm 2025 sẽ triển khai khởi công, hoàn thành vào năm 2027. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ kết nối với Tây Ninh - Campuchia tạo sự kết nối liên vùng.

Đặc biệt, đối với những dự án sử dụng từ quỹ đất dọc tuyến metro số 1, metro số 2 và đường vành đai 3 sẽ quy hoạch ngay quỹ đất, mời gọi nhà đầu tư và lợi nhuận sẽ “rót” trở lại cho hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, những dự án nhóm A của TP sẽ được tách ra làm dự án đầu tư và dự án giải phóng mặt bằng độc lập như đường vành đai 3. Như vậy, các dự án giao thông trong thời gian tới sẽ rút ngắn thời gian triển khai thực hiện được nửa năm so với những quy trình trước đây.

TP.HCM đã rất sẵn sàng và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị bắt tay vào làm ngay các nhiệm vụ, kế hoạch chi tiết và triển khai ngay từ bây giờ và tranh thủ từng giờ, từng phút. Các dự án giao thông sẽ lập tức chuyển mình khi NQ 98 đi vào cuộc sống. Khi đó, hàng loạt tuyến đường, các cây cầu kết nối sẽ được hình thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đặc biệt, diện mạo giao thông sẽ hình thành nhiều trục giao thông mới trong giai đoạn 2025-2030.

. Xin cảm ơn ông.•

Chủ đầu tư chờ hướng dẫn

Theo các chuyên gia, để nghị quyết phát huy hiệu quả, TP cần có các bước tiếp theo triển khai một cách chi tiết và tháo gỡ từng vướng trở.

TS DƯƠNG NHƯ HÙNG, chuyên gia giao thông ĐH Quốc gia TP.HCM:

Khi Nghị quyết 98 đi vào thực tế sẽ chắc chắn đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, vì trước nay chúng ta luôn thiếu tiền để thực hiện các dự án và câu chuyện trì trệ liên quan đến giải tỏa, bồi thường cũng mang đến rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân nếu không có sự tham gia của cơ quan chức năng.

Với Nghị quyết 98, TP sẽ có sự chủ động nhiều hơn và khi đó có thể giảm bớt các rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân (như việc thực hiện các dự án BT, BOT…).

Một vấn đề quan trọng nữa là khi TP được thực hiện cơ chế đặc thù để phát triển thì sẽ thúc đẩy TP thu được nhiều nguồn thu hơn và nguồn thu đó phải tái đầu tư cho hạ tầng, giao thông… để đóng góp nhiều hơn cho TP và cho cả nước. Hạ tầng không được đầu tư thì TP sẽ không phát triển được.

Nghị quyết mới được ban hành, chắc chắn để thực thi còn nhiều ràng buộc, còn nhiều chi tiết cần tháo gỡ, như hệ thống nước dù được đầu tư tốt cỡ nào nhưng nếu nghẽn một chỗ thì dòng chảy sẽ không thông suốt. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ quy định, đồng thời nghị quyết mới cho TP quyền hạn lớn hơn nhưng nó cũng sẽ đi kèm với trách nhiệm, đi kèm tiếp theo là năng lực của người thực thi, tức các cán bộ triển khai nghị quyết đó.

Nghị quyết mới là một cơ hội nhưng khả năng đưa cơ hội thành thành quả là câu chuyện của TP và cần có những người dám làm, dám chịu trách nhiệm để triển khai hiệu quả nghị quyết.

Ông TRẦN ĐỨC THẮNG, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái, chủ đầu tư đường vành đai 2 đoạn từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, dự án đang dang dở vì vướng phụ lục hợp đồng BT:

Nghị quyết 98 có nội dung về việc thực hiện dự án BT, chúng tôi cũng đang chờ TP định hướng như thế nào về cách giải quyết các dự án liên quan đến BT.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã triển khai theo đúng hợp đồng, đã thi công xây dựng, bồi thường rồi, bây giờ TP định hướng như thế nào thì doanh nghiệp sẽ làm như định hướng, chúng tôi nghe nói TP cũng sẽ có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Nếu áp dụng BT thanh toán bằng tiền thì khả năng sẽ phải đàm phán lại phụ lục hợp đồng BT nhưng cũng có thể áp dụng BT trả bằng đất vì hợp đồng cũ chúng tôi vẫn đang thực hiện. Tất nhiên, hợp đồng cũ trả bằng đất, giờ trả bằng tiền cũng sẽ có sự phức tạp, rồi liên quan đến câu chuyện lãi suất nếu trả bằng tiền.

Doanh nghiệp thì trả bằng gì cũng được (tiền hay đất) miễn sao cho dự án được triển khai, hoàn thành. Chúng tôi đã bỏ ra 2.000 tỉ đồng làm dự án trong năm năm nay. Chưa tính nếu trả bằng tiền mà trả chậm thì cần tính toán để không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

KIÊN CƯỜNG ghi

Giai đoạn 2021-2023 chưa huy động được các nguồn lực xã hội

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách TP còn hạn chế (bố trí khoảng 75.760 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 28,5% nhu cầu), chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông.

Trong giai đoạn 2021-2023, TP đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 công trình, dự án như cầu Thủ Thiêm 2, đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký, đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Bưng, cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè..., góp phần kéo giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông tại khu vực.

Sở GTVT cũng cho biết các hình thức đầu tư khác (hợp đồng BT, BOT...) trong giai đoạn 2021-2023 chưa huy động được các nguồn lực xã hội, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đọc thêm