Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đã ký văn bản gửi các bộ, ngành góp ý dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc nghỉ lễ, Tết năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.
Hai phương án nghỉ Tết đều là bảy ngày
Đối với Tết âm lịch, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng Điều 115 Bộ luật Lao động 2012 quy định nghỉ năm ngày. Điều 8 Nghị định 45/2013 của Chính phủ cho phép người sử dụng lao động lựa chọn một ngày cuối năm và bốn ngày đầu năm, hoặc hai ngày cuối năm và ba ngày đầu năm. Từ hai căn cứ đó, Bộ đề xuất hai phương án nghỉ Tết âm lịch Mậu Tuất 2018 như sau:
Phương án 1, NLĐ nghỉ liên tục từ ngày 14 đến hết 20-2-2018 dương lịch (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng). Trong đó có hai ngày trước Tết, ba ngày sau Tết, hai ngày nghỉ bù do ngày mùng 2, mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần.
Phương án 2, NLĐ nghỉ liên tục từ ngày 15 đến hết 21-2-2018 dương lịch (tức từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng). Trong đó một ngày trước Tết, bốn ngày sau Tết, hai ngày nghỉ bù do ngày mùng 2, mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, dù cùng số ngày nghỉ là bảy nhưng phương án 1 hài hòa, phù hợp hơn vì số ngày nghỉ trước Tết là hai ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết là năm ngày phù hợp quy định. Với phương án 2, ngày đi làm trở lại chỉ hai ngày là tới cuối tuần sẽ ảnh hưởng tâm lý, khiến NLĐ dễ thiếu nghiêm túc. “Với những phân tích trên, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thực hiện lịch nghỉ Tết âm lịch theo phương án 1” - Thứ trưởng Diệp thông tin.
Người dân TP.HCM về quê nghỉ Tết. Ảnh: HTD
Lao động nói ít, doanh nghiệp thấy vừa
Theo anh Nguyễn Thắng, nhân viên Công ty Samsung điện tử Việt Nam Thái Nguyên, nghỉ Tết kéo dài 10 ngày là hợp lý. “Đến 29 âm lịch mới được nghỉ rất cập rập cho NLĐ và tăng áp lực giao thông khi mọi người đổ xô về quê trong thời gian ngắn” - anh nói. Hơn nữa, nghỉ dài ngày sẽ kích cầu tiêu dùng, du lịch và dù không được cho nghỉ đủ thời gian cần thì NLĐ cũng sẽ xin nghỉ phép. Kết quả doanh nghiệp vẫn không có người để sản xuất.
Là chủ một doanh nghiệp xây dựng, anh Trần Út cho rằng nghỉ bảy ngày như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là phù hợp. Nguyên nhân NLĐ Việt Nam thường có tâm lý “rục rịch” từ trước và sau Tết nên nghỉ dài ngày sẽ càng ảnh hưởng đến năng suất lao động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Anh Út nhận định: “Nhiều người cho rằng nghỉ dài tạo điều kiện kích thích tiêu dùng nhưng nghỉ quá dài không có thu nhập thì lấy gì để kích cầu tiêu dùng? Theo tôi, nghỉ bảy ngày là đủ, vừa lo chu đáo lễ nghĩa truyền thống, du lịch, nghỉ ngơi, vừa đảm bảo yêu cầu công việc”.
Trái lại, anh Mai Long, nhân viên ngành tư pháp, khẳng định quan điểm nghỉ dài ảnh hưởng đến công việc chỉ đúng với các cơ quan cung cấp dịch vụ công. Riêng khu vực cán bộ, công nhân viên, công nhân xa quê muốn nghỉ dài hơn để giải quyết công việc gia đình, có thêm thời gian thăm hỏi người thân sau một năm đi làm vất vả. “Cả năm chỉ có một lần, tôi nghĩ nên xem xét cho nghỉ 10 ngày” - anh Long chia sẻ.
Không hoán đổi ngày nghỉ lễ trong năm 2018 Qua rà soát lịch năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy các dịp nghỉ lễ khác như Tết dương lịch, giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4, 1-5 và 2-9… đều liền kề với ngày nghỉ hằng tuần, không có tình trạng 1-2 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. Do đó Bộ đề xuất không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào các dịp nghỉ lễ, Tết năm 2018. |