Nghỉ tết bao nhiêu ngày, thi môn gì cũng báo cáo Thủ tướng, vậy Bộ trưởng làm gì?

(PLO)- Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng mọi việc hiện nay hầu như dồn lên Thủ tướng, nghỉ Tết bao nhiêu ngày; thi môn gì, nghỉ hè thế nào Bộ trưởng cũng phải báo cáo Thủ tướng.

Tại cuộc Hội thảo “Phân quyền, phân cấp trong Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy” do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức hôm 5-12, các ý kiến đều thống nhất quan điểm: phân cấp, phân quyền tốt giúp sẽ tinh giản được tổ chức và bộ máy.

Việc dồn lên Thủ tướng, các Bộ trưởng làm gì?

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn câu nói của Lê Nin “Hãy cho tôi một tổ chức mạnh, tôi sẽ bẩy cả nước Nga đi” để thấy vai trò quan trọng của công tác tổ chức.

“Công tác tổ chức có cả vấn đề con người và tổ chức bộ máy. Trong tổ chức bộ máy, theo nhận thức của tôi, phân cấp, phân quyền rất quan trọng, nếu không muốn nói đây là vấn đề cốt lõi”- ông Phùng Quốc Hiển nói.

Theo ông, phân cấp luôn gắn với phân quyền, nếu phân cấp, phân quyền tốt giúp cho việc tinh giản được tổ chức và bộ máy.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá một số định hướng của Trung ương rất hợp lòng dân, như chủ trương bỏ bớt cấp tổng cục.

“Tôi là người sinh ra ở ngành thuế, ban đầu, thuế chỉ nằm trong Sở Tài chính (cấp phòng), quy mô nhỏ, vậy Tổng cục Thuế bây giờ câu chuyện thế nào?”- ông Hiển đặt vấn đề.

Ông Hiển cho rằng quan trọng nhất hiện nay là phân quyền, trong đó quan trọng là các quyền về ban hành chính sách, tổ chức về cán bộ, tài chính-ngân sách và tổ chức điều hành.

Đồng tình với quan điểm tăng cường phân quyền gắn với trách nhiệm, quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải kiểm soát quyền lực, trong đó quan trọng nhất là tự kiểm soát.

“Nên xoáy sâu vào câu chuyện tự kiểm soát thế nào vì đây là ‘sức đề kháng’, là cái chúng ta yếu nhất”- ông Hiển nói thêm.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận. Ảnh: XĐ

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đặt vấn đề: Lâu nay, chúng ta thường bàn về phân quyền theo hướng phân quyền ngang và phân theo chiều dọc, mà chưa bàn đến phân quyền trong nội bộ.

“Chính phủ hiện nay, mọi việc hầu như dồn lên Thủ tướng hết. Nghỉ Tết bao nhiêu ngày, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng phải báo cáo Thủ tướng. Thi môn gì, nghỉ hè thế nào Bộ trưởng GD&ĐT cũng phải báo cáo Thủ tướng. Thế ông Bộ trưởng làm gì?”- ông Nguyễn Văn Thuận nói.

Đó là chưa kể việc địa phương có việc cũng hỏi thẳng Thủ tướng mà không hỏi Bộ trưởng.

“Một con gà, sáu anh báo cáo”

Phát biểu sau đó, nguyên Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời câu hỏi ông Nguyễn Văn Thuận đặt ra: Vì sao Bộ trưởng cứ đưa mọi thứ lên Thủ tướng.

Theo ông, nếu Bộ trưởng ký quyết định về một chiến lược nào đó thì “tiền, nhân lực, chính sách lại không đi theo”; phải đưa lên Thủ tướng ký để giao trách nhiệm cho các bộ, Bộ Tài chính lo tiền, Bộ KHĐT phải đảm bảo nguồn lực… thì mới có hiệu lực.

“Khi có dịch lan ra, Bộ trưởng NN&PTNT phải chịu trách nhiệm. Nhưng vaccine lại nằm trong quỹ dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý. Tôi phải làm thủ tục qua nhiều tầng nấc để xin vaccine. Hai, ba tuần sau vaccine về thì dịch đã lan như lửa cháy”-ông Phát nêu thực tế.

Hội thảo khoa học về phân quyền, phân cấp trong Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy” do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức hôm 5-12. Ảnh: XĐ

Nguyên Bộ trưởng NN&PTNT cũng nhận xét việc phân cấp quản lý giữa các bộ cũng không rõ, chồng chéo nhau, một vấn đề nhiều bộ quản lý.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc nhận xét bộ máy điều hành của chúng ta hiện nay cơ chế xin-cho còn rất nặng nề. “Đây là cuộc cải cách cực kỳ gian khổ. Tôi rất mừng khi thấy một cuộc phát động có tính cách mạng như sự đổi mới lần hai, đụng chạm đến toàn bộ hệ thống chính trị”- ông Phúc nói.

Từ đó, nguyên Thứ trưởng Nội vụ đề xuất cần một cuộc tổng rà soát lại, huy động tất các nhà quản lý, nhà khoa học, đánh giá Chính phủ làm gì, các bộ làm gì (theo chiều ngang); chiều dọc là từng cấp làm gì, cho đến cấp chính quyền cơ sở. Đồng thời có thể nghiên cứu xây dựng Luật về phân quyền.

“Toàn bộ cấu trúc, thể chế vận hành hiện nay đang tạo ra sự trì trệ trong chính bản thân chúng ta để phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Có một con gà, sáu anh báo cáo làm người ta tưởng sáu con, nhưng thực tế chỉ có một con thôi”- vẫn lời ông Phúc.

Một vị nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khác, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng nếu không phân cấp, phân quyền thì không thể tinh gọn bộ máy và ngược lại. Tuy nhiên, ông Dĩnh cũng lưu ý cần phân cấp, phân quyền triệt để, nếu không sẽ rất vướng.

“Chúng ta đã phân cấp, phân quyền nhưng không triệt để nên như anh Phát (nguyên Bộ trưởng NN&PTNT) nói rất vướng, một bộ trưởng không quyết được gì. Anh là Bộ trưởng mà phải xin ý kiến Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, VPCP… Nhiều khi những nơi này có ý kiến bác bỏ cả ông Bộ trưởng là thành viên Chính phủ”- ông Dĩnh nói.

Theo ông, phân cấp, phân quyền không triệt để dễ dẫn đến người ta ỷ lại, hoặc có ‘độ trễ’, tạo lực cản cho sự phát triển. “Chỉ có phân cấp, phân quyền triệt để, chúng ta mới có thể xác định rõ trách nhiệm”-ông Dĩnh nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới