Nghĩ về lứa U-23 hiện nay và lứa ở Thường Châu

Sau khi U-23 Việt Nam (VN) đánh bại U-23 Myanmar 1-0 để lên ngôi nhất bảng I, có tấm vé chính thức đi dự vòng chung kết (VCK ) U-23 châu Á vào tháng 6-2022 tại Uzbekistan, một tuyển thủ “lứa Thường Châu” viết dòng trạng thái: “Ngày trước chúng tôi cũng thế, bị chê bai và bị phê phán rất nhiều...”.

Còn nửa năm để thầy Park nâng cấp cho các cầu thủ U-23 Việt Nam. Ảnh: VFF

Đó là dòng chia sẻ của một đàn anh trước lứa đàn em vừa chật vật góp mặt ở VCK U-23 châu Á. Chính thầy Park cũng không ít lần tỏ vẻ không hài lòng khi lứa U-23 hiện nay cứ bị đem ra so sánh với “lứa Thường Châu”. Một phần thầy Park không muốn các cầu thủ trẻ chịu sức ép quá lớn, phần còn lại thầy Park cảm nhận rõ rằng khi ông bắt đầu nhận lứa U-23 VN chuẩn bị cho VCK ở Thường Châu thì ông cũng phải chỉnh sửa rất nhiều.

Công bằng mà nói thì ngày các cầu thủ U-23 VN năm 2018 lên đường đi Thường Châu thì gần như chẳng ai tin lứa cầu thủ này làm nên trò trống gì. Từ buổi lên đường lặng lẽ ít quan tâm đến chiếc vé về đặt cho toàn đội là kết thúc vòng bảng. Thậm chí, việc chọn quan chức theo đoàn cũng đẩy cho một ông phó vốn chẳng bao giờ được phân công đi cùng đội tuyển.

Lứa U-23 hiện nay hay bị so sánh với khuôn mẫu ở đội tuyển đâu vào đấy khiến sự ngây ngô, những thói quen xấu, động tác thừa… luôn bị ghim. Họ mang thói quen từ V-League và hạng Nhất lên đội U-23 và đó là điều mà từ nay đến ngày dự SEA Games 31 lẫn VCK U-23 châu Á, thầy Park phải chỉnh sửa rất nhiều.

Nhìn cái cách Trần Văn Đạt ngăn cầu thủ Myanmar ở sát biên rồi thuận tay giật chỏ vào mặt đối thủ và nhận thẻ vàng trong trận gặp U-23 Myanmar càng thấy sự non nớt, dễ dãi và chưa thể bỏ thói quen xấu của những cầu thủ trẻ.

Với tư cách đàn anh, chia sẻ với các cầu thủ trẻ còn non nớt và phạm những lỗi lầm là điều cần thiết và đáng trân trọng. Nhưng công bằng mà nói thì “lứa Thường Châu” rất khác. Lứa cầu thủ hơn ba năm trước là tập thể hội tụ nhiều cái hay, sự tinh túy từ các lò đào tạo cơ bản như Hà Nội, HA Gia Lai, PVF, Viettel, Đà Nẵng… Dù đoạt vé vớt dự VCK nhưng từ khi HLV Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt đá vòng loại trên sân Thống Nhất thắng Đông Timor, Macau, thua Hàn Quốc thì đấy đã là thế hệ cầu thủ từng trải rồi. Đến cuối năm 2017, khi HLV Park Hang-seo tiếp quản và dẫn dắt lứa U-23 đấy sang Thái Lan dự Cúp M-150 (giải đấu tập huấn cho VCK U-23 châu Á tại Thường Châu), họ đã cho thấy sự chững chạc nơi tập thể trẻ. Trước đó, nhiều cầu thủ U-23 VN đã có mặt dự VCK World Cup U-20 năm 2017 gồm Trọng Đại, Văn Hậu, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng (thủ môn), Bùi Tiến Dũng (hậu vệ), Bùi Tiến Dụng, Huỳnh Tấn Sinh, Minh Dĩ, Hồ Tấn Tài, Trần Thành, Hà Đức Chinh...

Vài so sánh thực tế để thấy rằng để có một tập thể mạnh và bản lĩnh thì cần phải có nền tảng trẻ thật tốt từ CLB và cả từ hệ thống trẻ với nhiều điều kiện tốt để chắp cánh cho họ phát triển.

Hy vọng từ nay đến SEA Games 31 trên sân nhà (khoảng giữa tháng 5-2022) và tiếp theo là VCK U-23 châu Á (tháng 6-2022), thầy Park sẽ nâng tầm lứa cầu thủ trẻ mà năm qua họ có quá ít điều kiện cọ xát và thử lửa để trưởng thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới