Nghị viện châu Âu: Ông Lukashenko sẽ là cựu tổng thống Belarus

Nghị viện châu Âu ngày 17-9 cho biết ông Alexander Lukashenko sẽ không còn được công nhận là tổng thống của Belarus sau khi nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo này kết thúc vào ngày 5-11.

Ông Lukashenko được tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ thứ sáu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8, nhưng phe đối lập và phương Tây cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu đã bị gian lận để tước đi chiến thắng của cựu ứng viên Svetlana Tikhanovskaya.

Theo hãng tin Reuters, Nghị viện châu Âu (EP) đã bác bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Belarus với 574 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 82 phiếu trắng. EP cũng kêu gọi áp đặt trừng phạt đối với ông Lukashenko.

"EU cần một cách tiếp cận mới đối với Belarus, bao gồm việc chấm dứt bất kỳ hợp tác nào với chế độ của ông Lukashenko" – thành viên nghị viện người Lithuania Petras Austrevicius cho biết.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: AP

Việc EP bác bỏ cuộc bầu cử vào tháng 8 không có tính ràng buộc pháp lý nhưng nó có thể ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) cho Belarus về mặt tài chính.

"Một khi nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo đương nhiệm Alexander Lukashenko hết hạn vào ngày 5-11, nghị viện (của EU) sẽ không còn công nhận ông ấy là tổng thống của đất nước (Belarus)" - EP cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, vào ngày 10-9, Seimas (tức Quốc hội Lithuania đã thông qua một nghị quyết gọi gọi cựu ứng cử viên tổng thống Tikhanovskaya là “lãnh đạo được bầu” của người dân Belarus và Tổng thống đương nhiệm Lukashenko là “bất hợp pháp”.

Phản ứng với động thái của Seimas, Hội đồng Cộng hòa Belarus (tức Thượng viện Belarus) hôm 15-9 ra tuyên bố lên án Lithuaia vi phạm luật pháp quốc tế khi công nhận bà Tikhanovskaya, đồng thời cáo buộc Vilnius “can thiệp trắng trợn” vào công việc nội bộ của Belarus.

Cũng trong ngày 17-9, 17 thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã chỉ định một nhóm chuyên gia độc lập để điều tra cáo buộc lạm dụng nhân quyền và gian lận bầu cử ở Belarus.

Các thành viên OSCE đứng sau sứ mệnh này là Đan Mạch, Bỉ, Canada, Estonia, Phần Lan, Pháp, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Romania, Slovakia, Anh, Cộng hòa Czech và Mỹ.

Nhóm chuyên gia sẽ điều tra các báo cáo về việc đàn áp các ứng cử viên, nhà báo và nhà hoạt động cũng như sử dụng vũ lực quá mức đối với những người biểu tình ôn hòa, giam giữ và tra tấn bất hợp pháp.

Các cuộc biểu tình rầm rộ nhằm phản đối kết quả bầu cử ngày 9-8 đã đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với Tổng thống Lukashenko và những nỗ lực của nhà lãnh đạo này nhằm kéo dài thời gian cầm quyền 26 năm của mình, mặc dù các chính phủ EU vẫn chưa đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt.

Sự hậu thuẫn của Moscow đã trở nên quan trọng đối với ông Lukashenko, và Điện Kremlin cáo buộc phương Tây đang tìm kiếm một cuộc cách mạng ở nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới