Nghịch lý: Đất bỏ hoang nhưng học sinh không có chỗ học

(PLO)- Học sinh đông do thiếu phòng học nên không đáp ứng được việc dạy học 2 buổi/ngày nhưng khó thu hồi đất bỏ hoang để xây trường lớp. Đây là thực tế mà quận 12, TP.HCM đang gặp phải.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-3, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH14 ngày 28-11-2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21-11-2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại UBND quận 12.

Tỉ lệ HS tiểu học học 2 buổi/ngày chỉ đạt 28,3%

Đánh giá về việc triển khai chương trình, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12 cho biết, chương trình GDPT 2018 ở các cấp học được thiết kế dành cho 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, do dân số đông nên quận không thể đáp ứng.

Cụ thể, tỉ lệ HS tiểu học được học 2 buổi/ngày trên toàn quận đạt 28,3%, trong đó tỉ lệ HS công lập học 2 buổi chỉ đạt 25,8%. Tương tự, tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày ở bậc THCS đạt 28,7%, trong đó công lập chỉ đạt 26,5%.

Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12 không đủ phòng học nên phải thực hiện dạy học 1 buổi/ngày. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12 không đủ phòng học nên phải thực hiện dạy học 1 buổi/ngày. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội cho biết qua khảo sát cũng như lắng nghe báo cáo cho thấy tỉ lệ học 2 buổi/ngày khá thấp trong khi theo chương trình mới việc dạy học 2 buổi/ngày là bắt buộc. Vậy quy định dạy học 2 buổi/ngày có phù hợp với các địa phương và có cần bắt buộc thực hiện trong tình hình thực tế.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cũng đặt vấn đề HS học 1 buổi sẽ bị ảnh hưởng thế nào so với các lớp dạy 2 buổi.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận 12 cho biết theo chương trình thiết kế 2 buổi/ngày, buổi 2 HS sẽ củng cố kiến thức và tham gia các hoạt động ngoại khoá. Do điều kiện trường lớp không đáp ứng, quận có một số trường chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày. Để hỗ trợ thêm HS, giáo viên tận dụng các kênh tương tác với HS qua các group zalo để ôn bài cho các em, cũng như trao đổi với phụ huynh.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng đẩy mạnh dạy học cá thể hoá. Mặt khác, triển khai mô hình lớp học đảo ngược cho HS tìm hiểu và tự nghiên cứu bài học ở nhà, lên lớp đặt câu hỏi gợi mở, tận dụng thời gian ở trên lớp cung cấp thêm kiến thức cho các em.

Khó thu hồi đất bỏ hoang để phát triển trường lớp

Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết mỗi năm số lượng trẻ lớp 9 tốt nghiệp THCS vào lớp 10 khoảng 6.000 trong khi đó trẻ mẫu giáo vào lớp 1 khoảng 10.000. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng thêm 4.000 trẻ, quận đã cố gắng bố trí trường lớp để tăng tỉ lệ học 2 buổi/ngày.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, toàn quận đã quyết tâm xây dựng được 28 trường lớp và đặt mục tiêu nâng tỉ lệ học 2 buổi cấp THCS giai đoạn 2020-2025 đạt 60%, HS tiểu học là 80%. Tuy nhiên cuối năm 2022, tỉ lệ cũng chỉ đạt được 28% đối với tiểu học. "Để đảm bảo chỉ tiêu này và chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân phải phấn đấu 1.700 phòng học. Đó là một con số quá khủng khiếp khó có thể thực hiện với tình hình hiện nay” - bà Chính nói.

Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12 trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12 trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tuy nhiên, theo bà Chính đến thời điểm này TP mới chỉ duyệt trung hạn cho 5 dự án trường học và đến giai đoạn cấp vốn còn là vấn đề dài. Vì sau dịch COVID-19, nguồn kinh phí cũng hạn hẹp, quỹ đất “sạch” để đầu tư có nhưng không có vốn.

Hiện tại, quận 12 cũng đang rà soát đất công thuộc các tổ chức nhà nước sử dụng không hiệu quả để thu hồi phát triển trường học. Quận đề xuất 14 khu đất nhưng chưa thu hồi.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12 cũng bày tỏ bức xúc đối với những khu đất của cấp trung ương trên địa bàn lãng phí nhưng rất khó thu hồi.

“Trung tâm sâm dược liệu ở phường Tân Thới Nhất quản lý phần đất mặt tiền khoảng 1 hecta nhưng không làm gì hết. Trong khi đó trường kế bên sụp lún, xuống cấp.

Quận, TP kiến nghị thu hồi nhưng đơn vị trên của Bộ Y tế nhất quyết không trả. Mười mấy năm nay chúng tôi làm việc, kiến nghị nhưng chưa có kết quả. Học sinh không có chỗ học nhưng yêu cầu trung tâm giao đất để xây dựng trường lớp vô cùng khó khăn” - ông Đức nói.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội trao đổi tại buổi làm việc chiều nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội trao đổi tại buổi làm việc chiều nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cũng theo lãnh đạo quận 12, để phát triển trường lớp, trong thời gian qua, quận tăng cường xã hội hoá giáo dục và chủ trương có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực.

Cụ thể quận có chủ trương đất không phải diện quy hoạch giáo dục mà là đất ở đô thị, có công trình trên đất phù hợp về mặt xây dựng, không vi phạm xây dựng sẽ ủng hộ xã hội hoá đầu tư trường học. Điều kiện là chủ đầu tư có cam kết khi nhà nước thực hiện quy hoạch chuyển đổi theo. Vì thế, nhiều chủ đầu tư đã đầu tư vào trường học nhưng chủ yếu ở bậc mầm non.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm