Sáng 22-10, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát 10 năm thực hiện nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Buổi khảo sát diễn ra vào sáng 22-10. Ảnh: THANH TUYỀN |
Không thể bắt "nghiên cứu không ra thì phải đền tiền"
Ở góc độ của một sở liên quan trực tiếp đến hoạt động KH-CN, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng, các ý kiến bàn luận về chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào khoa học- công nghệ (KH-CN) hiện nay đều loay hoay cơ chế chính sách tài chính. Theo ông, đó không phải là điểm thắt.
Ông dẫn chứng ở các nước trên thế giới, nhà nước chỉ chi 5-10% cho hoạt động bởi vì ở các nước chi cho KH-CN, 90% còn lại là đến từ nguồn lực của xã hội, chủ yếu là từ doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng báo cáo tại buổi khảo sát. Ảnh: THANH TUYỀN |
Ông Dũng nhấn mạnh, vai trò đầu tư của doanh nghiệp vào nghiên cứu phát triển là quan trọng nhất. Điểm thắt ở đây là chính sách quốc gia làm sao để kích thích được nhóm này.
Ông Dũng nêu về cách làm của Trung Quốc: Để thu hút đầu tư nước ngoài, họ có các quy định để công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Còn ở nước ta, như Khu công nghệ cao TP.HCM chủ yếu là lao động phổ thông, không thể thu hút được hoạt động nghiên cứu, phát triển.
Ông Dũng cho rằng, sự bất cập này nằm ở chính sách. Khi thu hút đầu tư, trong các hợp đồng thì chỉ gọi là “khuyến khích”, chẳng hạn như khuyến khích đầu tư cho Trung tâm nghiên cứu phát triển… Nhưng ở nước ngoài, các hợp đồng FDI đều nói rất rõ là đầu tư cái gì, thời điểm nào, nếu không thành công phạt bao nhiêu tiền (vì đã hưởng ưu đãi, thuế, đất đai) thì phải cam kết rõ ràng…
Ở các nước, trách nhiệm chuyển giao công nghệ như thế nào không phải là việc của chính quyền.
Giám đốc Sở KH-CN TP nói thêm, TP muốn thu hút tư nhân cùng tham gia để tạo hệ sinh thái nhưng luật quản lý tài sản công hiện gây khó.
Ông Dũng đề đạt thêm, các biện pháp về chính sách thu hút nguồn lực xã hội là mấu chốt, cần nghiên cứu để thiết kế lại chính sách cho phù hợp.
Về cơ chế tài chính, tại TP.HCM, việc khoán chi trong nhiều năm qua cũng khó thực hiện được, bởi tư duy thiết kế cơ chế này không phù hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Chúng ta yêu cầu nhà nghiên cứu phải đảm bảo những yêu cầu cụ thể, làm không được thì phải trả lại tiền. Một doanh nghiệp duy trì sản xuất đôi khi còn có lỗi, dù đã chuẩn hóa hết quy trình sản xuất huống chi nghiên cứu khoa học là đang đi tìm, có khi ra kết quả, có khi không”- ông Dũng cho hay.
Ông tiếp: “Chúng ta làm dự toán là đã trật rồi. Nghiên cứu khoa học mà tính công, tính bao nhiêu tiếng thì không đúng; rồi yêu cầu là nghiên cứu không ra thì phải đền tiền thì không nhà khoa học nào chịu cả. Làm khoa học thì phải có lúc thất bại nên tôi nghĩ câu chuyện này là không ổn”.
Để đổi mới thật sự hoạt động KH-CN, theo ông Dũng cần phải có thiết chế giữa các trường, viện với doanh nghiệp để kết nối hai đầu mối này với nhau, tránh sự dàn trải để tập trung được nguồn lực, đầu tư cho một số thiết chế quan trọng giúp quá trình chuyển giao công nghệ tốt hơn.
Cùng đó, cần chú trọng thu hút đầu tư từ nước ngoài. Bằng mọi giá phải có cơ chế để thúc đẩy câu chuyện chuyển giao công nghệ từ nước ngoài cho trong nước.
Ông Dũng cũng đặt vấn đề về vai trò của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế trong nước. Hiện nay, các công ty, tập đoàn này chỉ khai thác công nghệ chứ cũng chưa gọi là doanh nghiệp công nghệ.
“Chúng ta chưa có tập đoàn, công ty trở thành doanh nghiệp công nghệ để dẫn dắt đầu tàu sinh thái. Doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn đó sẽ giúp kết nối được lực lượng nghiên cứu của trường, viện; họ cũng giúp kết nối luôn các doanh nghiệp vừa, nhỏ sâu hơn”- ông nói và cho rằng cần phải phát huy được năng lực của các tập đoàn này.
Phát triển KH-CN vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, công tác phát triển KH-CN của TP trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt. Những thành quả này từng bước đưa TP trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo với đoàn công tác. Ảnh: THANH TUYỀN |
Chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao trong thời gian qua, đạt trung bình 35,62%. Trong đó, đóng góp của KH-CN vào tăng trưởng TFP là 74%.
Trong giai đoạn 2011 – 2021, năng suất lao động xã hội của TP cao hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.
TP.HCM luôn nằm trong top 10 TP năng động nhất thế giới kể từ năm 2017 đến nay.
Dù vậy, ông Hoan cho rằng sự phát triển KH-CN tại TP vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị của TP. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
TP.HCM cũng còn thiếu những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo…
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, khó khăn của TP hiện nay là chính sách thu hút nhân lực, có cái thực hiện được, có cái còn băn khoăn.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, TP rất trăn trở, mong muốn làm nơi đổi mới sáng tạo, thu hút khoa học công nghệ của cả nước. Ảnh: THANH TUYỀN |
Ông nhắc lại chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ của TP ở thời điểm trước đã rất thành công, tạo ra một thế hệ cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng bộ TP có cán bộ trẻ tham dự là do công sức của các thế hệ đi trước.
Theo Phó Bí thư Nguyễn Hồ Hải, thành công đó có phần của việc hoạch định chính sách ưu tiên về đào tạo. Tuy nhiên, các cơ quan thanh tra, kiểm tra thì cho rằng có những cái chưa phù hợp với pháp luật chung nên phải khắc phục.
Về cơ chế đặc thù, ông Hải cho rằng nếu đã giao lại cho Ban cán sự Đảng của Chính phủ hoặc các bộ, ngành thì rất khó vì đây là các cơ quan hành pháp, hướng dẫn luật thì không thể nào có cách làm mới.
“Trường hợp các cấp nghĩ ra, ban thường vụ ở đó có cách làm mới thì phải có thẩm quyền được cho phép ở mức độ nhất định”- ông Hải nêu ý kiến.
Ông nói, TP rất trăn trở, mong muốn làm nơi đổi mới sáng tạo, thu hút khoa học công nghệ của cả nước.
“Nhưng để làm được, TP cần phải có cơ chế”- ông Hải nói và cho biết, Thành ủy TP.HCM sẽ tiếp tục lãnh đạo để phát huy các kết quả đạt được, đồng thời khắc phục các tồn tại khó khăn để tăng cường phát triển khoa học- công nghệ.