Chiều 28-2, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để bàn về một số giải pháp phát triển ngành ô tô Việt Nam.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương), cho biết năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam là 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước: 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc.
Một số doanh nghiệp nội địa tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu; bước đầu đã hình thành nên một ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa v.v..
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế ông Hoài đánh giá giá bán xe ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực; chất lượng xe mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu. Chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản). Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm bốn công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Giá xe ô tô ở Việt Nam vẫn còn cao so với các nước. Ảnh: T.PHƯƠNG
Đặc biệt, tỉ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến chín chỗ ngồi đạt thấp. Theo đó mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7%-10%, trong đó Thaco đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Theo ông Hoài, nguyên nhân được chỉ ra là do chính sách thiếu ổn định (thuế, phí, hạ tầng..); chưa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư các dự án quy mô lớn ở Việt Nam.
Do đó, ông Hoài cho rằng để phát triển ngành ô tô, Bộ Công Thương đề xuất các nhóm giải pháp như tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước (khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước).
Có các biện pháp khuyến khích thị trường trong nước thông qua các biện pháp chống gian lận thương mại như giá khai báo thuế, gian lận tỉ lệ nội địa nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.
Cùng với đó, hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh; điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký.
Nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỉ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối phần giá trị tạo ra trong nước). Đây là giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.
Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng; hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước. Thu hút đầu tư FDI ở các tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới.