Nhiều bệnh nhân dùng chất ma túy nhập viện trong tình trạng hoang tưởng, lẩn thẩn, mất hết khả năng tri giác bình thường. Nguy cơ của những người nghiện ma túy, nhất là ma túy đá, chính là bệnh tâm thần.
Kẻ giết người giấu tay
Tại Khoa Điều trị nghiện chất Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), phần lớn người nghiện ma túy nhập viện với các biểu hiện của hội chứng tâm thần cấp tính như bị ảo giác, kích động, hoang tưởng, sợ bị người khác tấn công, hằn học, tức giận, thậm chí có những hành động chán sống. Điển hình là trường hợp T.N.T - 21 tuổi, sinh viên năm thứ ba của một trường đại học ở Hà Nội.
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Quảng Ninh, lại là con một, được cha mẹ hết sức cưng chiều nên T. nghiện ma túy lúc nào người thân không hay biết. Đến năm thứ ba đại học, sau một lần “đập đá” dài ngày, T. được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nói nhảm, có nhiều hành vi không bình thường. Trước khi nhập viện, T. thường xuyên khạc nhổ khắp nhà, không làm chủ được hành vi, đập phá đồ đạc, mắng chửi cả cha mẹ...
Các bác sĩ tại Viện Sức khỏe tâm thần cho biết số bệnh nhân đến đây điều trị bệnh lý về tâm thần có liên quan đến ma túy ngày càng nhiều. Có trường hợp diễn biến bệnh quá nặng, lúc nào cũng chỉ muốn tìm đến cái chết. Theo PGS-TS Trần Hữu Bình - nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần ĐH Y Hà Nội - hầu hết những trường hợp nghiện ma túy, nhất là ma túy đá, được đưa đến bệnh viện khi có biểu hiện của sự rối loạn thần kinh, hoang tưởng, kích động quá mức.
Các rối loạn tâm thần rất thường gặp ở những người sử dụng chất dạng amphetamine (ma túy tổng hợp ATS). Nghiên cứu tại Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy bệnh nhân chủ yếu là nam giới (91%), nhóm tuổi sử dụng phổ biến là 20-29 (70,5%). Triệu chứng loạn thần chủ yếu là hoang tưởng (68,2%), trong đó hoang tưởng bị hại là 90%, hoang tưởng bị theo dõi 83,3%. Ảo giác hay gặp nhất là ảo thanh (56,8%), ảo thị (22,5%) và ảo xúc (5%). Tình trạng căng thẳng do hoang tưởng có thể dẫn tới kích động bạo lực, gồm cả khuynh hướng giết người và tự sát. Ngoài ra, tỉ lệ người nghiện sử dụng heroin đang có xu hướng giảm dần nhưng số người dùng các chất dạng ATS lại có xu hướng tăng.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, các trường hợp rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp đến khám và điều trị ngày càng tăng. Do tỉ lệ người nghiện ATS tăng, cách đây không lâu, Bộ Y tế đã phải ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng ATS”.
Cần khống chế ngay
PGS-TS Bình cho biết người sử dụng ma túy tổng hợp đến mức nghiện sẽ chịu những tác động tâm lý từng cấp khác nhau, theo thời gian và mức độ sử dụng; nhẹ nhất là ảo giác, nặng hơn là hoang tưởng và có ý định tự sát. Do đó, những người nghiện ma túy có các biểu hiện rối loạn tâm thần cần phải được điều trị về sức khỏe tâm thần.
“Các bệnh tâm thần do nghiện chất rất nguy hiểm. Do đó, cần tuyên truyền cho gia đình bệnh nhân đưa người nghiện đi cai và chữa trị. Khi người thân có các triệu chứng tâm thần do nghiện, gia đình cần tìm cách khống chế để hạn chế những hành vi gây nguy hiểm cho chính họ và người xung quanh, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế hoặc trung tâm cai nghiện ma túy nhằm điều trị kịp thời” - PGS-TS Bình nhấn mạnh.
Theo BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và điều trị nghiện chất - Viện Sức khỏe tâm thần, cần phải phân biệt người sử dụng ma túy vài lần với người nghiện. Người nghiện là người lệ thuộc vào chất nào đó (ma túy, rượu...), nếu không được dùng sẽ xuất hiện hội chứng cai (đau cơ, đau khớp, ngáp vặt, mệt mỏi, vật vã) và các rối loạn hành vi, tính cách, gây nguy hiểm cho mình và xã hội. Trong khi đó, người dùng vài lần, chưa lệ thuộc vào chất thì không phải là người nghiện, không cần điều trị.
Về nguyên tắc, người nghiện cần phải điều trị và thực tế, dù có nhiều phương pháp từ đông y, tây y đến liệu pháp tâm lý nhưng đến nay, chưa có phương pháp nào điều trị triệt để. Đã có những nghiên cứu từ 1-3 năm về tỉ lệ tái nghiện. Trong đó, 1 năm đầu, tỉ lệ này chiếm 50%-55%; năm thứ 2: 65% và năm thứ 3: 70%. Điều quan trọng trong quá trình cai nghiện chính là áp dụng liệu pháp tâm lý để người nghiện có nghị lực bỏ ma túy, sau đó có nghị lực tái thích nghi với xã hội mà không tái nghiện.
“Hiện nay, việc điều trị dù được xem là bắt buộc nhưng có đưa người bệnh đến cơ sở y tế hay không lại phải phụ thuộc vào gia đình họ. Chính quyền địa phương chỉ có thể buộc đưa người nghiện đến các cơ sở y tế khi họ có những rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi” - bác sĩ Dũng cho biết.
Theo các bác sĩ, dù phác đồ chẩn đoán, điều trị nghiện những chất dạng ATS đã ban hành nhưng việc điều trị cho bệnh nhân sử dụng ma túy đá rất khó khăn vì họ thường bị rối loạn tâm thần, tổn thương não nặng. |