NGND Trần Hữu Nghiệp từ 'Kẻ sĩ' đến bác sĩ, nhà văn

Ngày 27-4, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi ra mắt cuốn truyện ký "Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ" của nhà văn, đại tá Đỗ Viết Nghiệm.

Tham dự có chị Trần Kiều Lan, con gái út của cố bác sĩ Trần Hữu Nghiệp; PGSTS - nhà văn Nguyễn Tấn Phát; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Đức; Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cùng nhà văn Trầm Hương, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Kim Quyên, Nguyên Hùng…

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế (đi sau Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại buổi lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị Tổng kết công tác Y tế tổ chức tại Trường năm 1956. Ảnh chụp lại trong sách.

Nhận định về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung – người gắn bó nhiều năm với Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, viết: “Anh Chín Nghiệp đã dành cả cuộc đời của mình chăm lo đào tạo thế hệ trẻ cho ngành y. Sau khi học thành tài, anh đã có phòng mạch và bệnh viện tư ở Sài Gòn và cuộc sống gia đình đầm ấm. Nhưng theo tiếng gọi của non sông, anh đã rũ áo ra đi, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc…”.

Thừa hưởng lòng yêu nước từ tiền hiền

Trần Hữu Nghiệp sinh ra tại Ba Tri, Bến Tre – ngay trên mảnh đất của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Ngay trong phần mở đầu hồi ký Thời gian trong mắt tôi, Nhà giáo nhân dân, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã viết: “Phải chăng bởi trên mảnh đất khô cằn nghèo khổ này còn vang lên, đời con nối tiếp đời cha, những chuyện kể về Phan Thanh Giản, về Nguyễn Đình Chiểu… Gió biển Đông thổi vào còn lan tỏa khắp nơi hương thơm tinh thần Nguyễn Đinh Chiểu một ngôi sao càng nhìn lâu càng sáng cho ai muốn ngẩng đầu lên”.

Và chính ông thừa hưởng từ những bậc tiền hiền, nhà nho, chí sĩ yêu nước Bến Tre như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiều… về tấm gương hiếu học và tinh thần yêu nước đã ít nhiều thấm vào máu của ông.

Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911 nhưng khi mới 15 tuổi (1926), cậu bé Nhuần (tên gọi thân mật mà mẹ ông đã gọi vì năm Tân Hợi 1911 là năm nhuận, có hai tháng 6) đã tham gia vào lực lượng học sinh sinh viên tổ chức lễ truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh, nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng trong phong trào Duy Tân tại Bến Tre. Chính vì việc này mà ông bị đuổi học khỏi trường trung học công tỉnh Bến Tre.

Để có một "kẻ sĩ Trần Hữu Nghiệp" như ngày nay phải nói một trong những công lao lớn nhất thuộc về cha ông – cụ Trần Văn Nghĩa làm chức Đại Hương Cả, người đứng đầu nhiều năm trong hội tề có 12 vị ở xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Khi Nhuần gặp "tai nạn" bị đuổi học, cụ Nghĩa đã đưa con lên tận Sài Gòn tìm nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh gửi con học.

Bác sĩ, NGND Trần Hữu Nghiệp trong một lần đến thăm vợ chồng GS Trần Văn Giàu. Ảnh Tư liệu

Nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh biết cậu bé Nhuần có tinh thần yêu nước nhưng còn manh mún, chưa ý thức hệ nên đã khuyên: "Chuyện làm chính trị là chuyện người lớn, mình còn trẻ, tương lai còn dài, giờ phải lo học giỏi, sau này muốn làm gì cũng không muộn".

Để rồi sau đó thiếu niên Nghiệp từ một cậu ấm, "sinh ra trong bọc điều" đã học giỏi nên được nhảy lớp. Năm 20 tuổi thi đỗ Tú tài được học bổng vào trường Y khoa Đông Dương ở Hà Nội. 

"Cuối năm 1936. Đốc tờ Trần Hữu Nghiệp từ Pháp về lại Trường Y khoa Đông Dương mà theo thủ tục vẫn là sinh viên từ trường này sang Pháp. Đầu năm 1937, đốc tờ Trần Hữu Nghiệp trở về quê hương Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, sau sáu năm "miệt mài đèn sách" cả trong nước và ngoài nước đỗ đạt "Ông nghè" danh giá".

Đốc tờ Trần Hữu Nghiệp đã làm rạng danh quê hương. Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm viết: "Hình như vào năm 1937 này ở Tân Thủy, Ba Tri, Bến Tre, mới có người giành bằng đốc tờ Paris Pháp là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Một vinh dự lớn tiếng tăm cho gia đình ông Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa và bà Phạm Thị Phường, nhưng tiếc thay ngày trở về "vinh quy bái tổ" ba đã mất".

Từ bỏ vinh hoa thoát ly kháng chiến

Chỉ một năm sau, đốc tờ Trần Hữu Nghiệp 27 tuổi (1938) cưới vợ là người bạn học Lê Thị Nhi trường trung học công tỉnh Bến Tre. Tiểu thư Lê Thị Nhi là con gái một duy nhất của gia đình ông Huyện Hương giàu có bậc nhất ở Ba Tri. Cho nên sau khi kết hôn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng vợ sang thành phố Mỹ Tho mở phòng mạch. Họ có chung ba người con là Trần Hữu Kim Dung, Trần Hữu Trí và Trần Hữu Dũng.

Bước ngoặt lớn làm nên tên tuổi và đi vào lịch sử của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là ông đã từ bỏ tất cả, bỏ lại sau lưng vợ xinh đẹp và ba con để theo kháng chiến chống Pháp, đó là năm 1945. "Đất nước nguy vong, những người Việt Nam yêu nước chân chính phải đứng trước sự lựa chọn "được và mất", trong đó có bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chọn cái "được" để cứu nguy đất nước. Và đương nhiên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã "mất", đó là cái giá cuộc sống hạnh phúc gia đình nhỏ, mà trong thâm tâm ông luôn muốn giữ lại mãi mãi".

Ông đã đánh mất hạnh phúc với vợ và ba con. Bà Lê Thị Nhi vợ ông "không vượt qua được cám dỗ của thói đời đi lấy chồng Tây, một viên sĩ quan người Pháp ở Mỹ Tho đầy quyền lực".

Đánh dấu cái mốc ngày bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tham gia cách mạng, ông viết : "Xuất phát là một thầy thuốc tư, có phòng khám bệnh và một bệnh viện nhỏ ở tỉnh, tôi đã thoát ly đi theo kháng chiến từ năm 1945". Ta hiểu, nghĩa là khi đó Trần Hữu Nghiệp đã có tất cả những gì mà một đời người mơ ước !".

Trở vào Nam lần hai

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sau hôn nhân lần nhất (1938) tan vỡ, năm 37 tuổi (1948), 10 năm sau ông tái hôn với bà Nguyễn Thị Lê năm đó mới tròn 18 tuổi. Cả hai có ba người con, tất cả đều con gái. Sau đó cả gia đình ông tập kết ra Bắc (năm 1954).

Thời gian trên đất Bắc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm Hiệu trưởng đầu tiên Trường Cán bộ Y tế trung ương. Sống với nhau trên đất Bắc gần mười năm, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại nhận nhiệm vụ trở lại miền Nam lần hai (lần thứ nhất là năm 1947). Vậy là ông phải gác bỏ tình riêng để nhận nhiệm vụ mới.

Lần thứ nhất ông thoát ly ra Bắc đã mất hạnh phúc với người vợ thứ nhất và ba con. Lần này ông lại từ bỏ hạnh phúc nhỏ để lại vợ và ba con. 

Bà Nguyễn Thị Lê - người vợ thứ hai trẻ hơn ông 30 tuổi nhưng đã bù đắp những mất mát mà ông đã vụt mất so với bà Lê Thị Nhi vợ đầu của ông.

Nhưng chỉ hai năm sau bà vượt Trường Sơn vào Nam công tác gần chồng. Đây cũng là sự lựa chọn mà bà Lê rất khó khăn khi quyết định. "Bà Nguyễn Thị Lê kể cho Trần Hữu Nghiệp biết, mình đã phải lựa chọn khó khăn như thế nào về quyết định đi Nam, hay ở lại miền Bắc. 

"Đời tôi chưa bao giờ có một lựa chọn khó khăn đến thế, một bên là miền Nam vẫy gọi và anh đang mong chờ, một bên ba đưa con còn non nớt. Kiều Dung năm ấy 16 tuổi, Kiều Miên 14 tuổi, còn Kiều Lan mới 13. Nhưng tôi tin, các con ở miền Bắc có sự giúp đỡ của tổ chức bạn bè sẽ trưởng thành". Cuối cùng, bà chọn tạm xa các con để được vào Nam".

NGND Trần Hữu Nghiệp từ 'Kẻ sĩ' đến bác sĩ, nhà văn ảnh 3

Tượng NGND. BS Trần Hữu Nghiệp tại Khu vườn tượng các danh nhân Y học Việt Nam và thế giới tại Quy Hòa, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh Tư liệu

Anh hùng lao động, Tiến sĩ Dương Quang Trung nhận định: “Cuộc đời của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất trong sáng, được ví như kẻ sĩ Gia Định, có sự nghiệp phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân rất vẻ vang”.  

TP.HCM có con đường mang tên Trần Hữu Nghiệp

Đọc truyện ký bác sĩ Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ của nhà văn, đại tá Đỗ Viết Nghiệm (nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành) về một con người rất Nam bộ nhưng cũng rất nghệ sĩ như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất thú vị.

Truyện ký này còn cung cấp nhiều về lịch sử Y học trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc đối đầu với hai kẻ thù mạnh đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cuốn sách viết về không những viết về chính từ kẻ sĩ Trần Hữu Nghiệp mà còn cung cấp cho chúng ta biết đến những nhà tri thức, chí sĩ yêu nước lớn như "Bốn người cùng dân Nam Bộ mà quê hương cũng rất gần, chỉ cách nhau qua hai con phà sông Tiền và sông Hàm Luông".

Đó là giáo sư Ca Văn Thỉnh, quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, kiêm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam. Bộ trưởng Canh nông Ngô Tấn Nhơn, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã cùng ông trở vào Nam năm 1947 để đến căn cứ kháng chiến Nam Bộ làm nhiệm vụ mới.

Những kỷ niệm với bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, Nguyễn Văn Hưởng, giám đốc Sở Y tế Miền. Đặc biệt là với anh Tư, bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên Phạm Ngọc Thạch, người anh, người bạn vong niên. Chính những ngày đầu ra Bắc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã được anh Tư Phạm Ngọc Thạch giúp đỡ, dìu dắt.

Những trí thức lớn của đất nước như trên đều thuộc thành phần "danh gia vọng tộc" thế nhưng họ gác bỏ hay nói đúng hơn từ bỏ tất cả để thoát ly kháng chiến. Chính họ là những "Kẻ sĩ Gia Định" (tên một cuốn sách của nhà văn Trần Bạch Đằng), những tấm gương ấy một phần hun đúc lòng yêu nước trong con người bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

"Kẻ sĩ Trần Hữu Nghiệp" (1911-2006) đã sống trọn "sáu mươi hai năm bền bỉ, dẻo dai cho tới cuối cuộc đời". Một đời tận hiến cho Y học để làm cách mạng, vắt qua hai thế kỷ XX và XXI, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn là một nhà, nhà văn.

Ngày 27-4, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi ra mắt cuốn truyện ký "Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ" của nhà văn, đại tá Đỗ Viết Nghiệm. Ảnh: NGUYÊN HÙNG

Chân thành cảm ơn nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã dày công dựng lại chân dung bác sĩ Trần Hữu Nghiệp từ “tiểu tư sản” thoát ly kháng chiến, hy sinh hạnh phúc đời tư… để trở thành một nhà khoa học, nhà giáo nhân dân, thầy của những người thầy, cây đại thụ của nền Y học nước nhà. 

Bác sĩ, NGND Trần Hữu Nghiệp được đặt tên đường ở Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTV

Những đóng góp, cống hiến của bác sĩ, nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp đã được ghi nhận. Ngày 13-3-2021, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông một con đường tại khu Y tế kỹ thuật cao TP.HCM đã mang tên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

NGND, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp

NGND Trần Hữu Nghiệp từ 'Kẻ sĩ' đến bác sĩ, nhà văn ảnh 7

Bác sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà báo, nhà văn Trần Hữu Nghiệp. Ảnh Tư liệu

Ông sinh năm 1911 tại Tân Thủy, Ba Tri, Bến Tre.

Năm 1988, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Năm 2006, ông mất tại TP.HCM hưởng đại thọ 96 tuổi.

Ngoài nghiên cứu, giảng dạy, trực tiếp chữa bệnh ông còn viết báo, viết văn với bút danh Hằng Ngôn.

Quyển sách văn học đầu tiên là một tập ký “Hồ Chủ tịch trong lòng dân tộc”  (1948).

Tác phẩm đã xuất bản: Hồi ký Thời gian trong mắt tôi (1993); Phép nuôi con (1943); Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài (1990); Nói chuyện với người uống rượu (1981); Lịch sử phụ nữ ngành Y tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1991); Nói chuyện với người hút thuốc lá (1983), Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc (1962), Sanh khỏe đẻ vui, Nuôi con; Chữa bệnh cho con,  

"Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kiểu bạn "vong niên" cũng phải thốt lên: "Những dòng chữ của anh là sự uyên bác của một trí thức: Y học của văn học".

Giáo sư, tiến sĩ văn học Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm Quốc học cũng nói: "Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một Nhà văn, Nhà báo đặc sắc. Với cái vốn uyên bác cổ kim Đông Tây được tích lũy từ nhỏ, ông là một ngòi bút cứng cáp, xúc tích và dí dỏm…". 

BS Trần Hữu Nghiệp - Chân dung một con người tuyệt vời
BS Trần Hữu Nghiệp - Chân dung một con người tuyệt vời
NXB Y học vừa ra mắt cuốn “Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp -Nhà giáo nhân dân-Nhà văn- Nhà báo” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Tầm cỡ và dung lượng cuốn sách cho thấy đây là công trình công phu của một hội đồng biên soạn gồm nhiều trí thức ngành y nổi tiếng do VS-TS Dương Quang Trung làm trưởng ban, có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm