Hôm nay ( 21-12), phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” diễn ra dưới hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.
Nhiều tiềm năng để tham gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Phiên toàn thể Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo về công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế.
Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel – ông Đào Xuân Vũ đã có bài tham luận với chủ đề “Tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và vai trò quan trọng và vai trò quan trọng của ngành ngoại giao trong kết nối chuỗi cung ứng”.
Theo số liệu được ông Đào Xuân Vũ dẫn ra, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đạt quy mô 600 tỷ USD vào năm 2022, dự báo vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt hai con số, ngành công nghiệp bán dẫn được coi là ngành công nghiệp xương sống, cốt lõi để phát triển kinh tế. Đồng thời nó cũng có thể coi là ngành công nghiệp nền tảng để phát triển những ngành khác như điện, điện tử, tự động hóa, viễn thông, công nghệ thông tin.
Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn để nâng cao khả năng tự chủ về công nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức tư vấn và hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ và căn cứ trên kết quả phân tích của Bộ Ngoại giao, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Viettel khẳng định Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để tham gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy, phát triển công nghiệp bán dẫn. Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan đang thực hiện xây dựng chính sách và các kế hoạch hành động để phát triển công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và thường xuyên đề cập đến việc hợp tác và phát triển ngành bán dẫn trong các buổi làm việc cấp cao với các lãnh đạo từ các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Mỹ, Hà Lan, Nhật bản.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực, lao động trẻ, tiềm năng, chi phí lao động hợp lý, có nền tảng tốt trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Việt Nam đang có lực lượng nhân sự tốt với hơn 8.000 người làm việc trong ngành bán dẫn bao gồm 5.000 kỹ sư cho công đoạn thiết kế, 3.000 kỹ sư trong công đoạn đóng gói. Việt Nam có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư trình độ cao trong ngành bán dẫn đang làm việc ở nước ngoài.
Thứ ba, Việt Nam có hệ sinh thái bán dẫn đang dần hình thành. Nhiều công ty bán dẫn lớn nhất thế giới như Samsung, Intel đã đầu tư mạnh vào Việt Nam. Đến nay có hơn 40 công ty bán dẫn nước ngoài, thành lập chi nhánh, công ty con tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp nội địa có nguồn lực lớn như Viettel, FPT có mức độ tham gia sâu sắc hơn vào ngành bán dẫn. Nhiều trường đại học Việt Nam cũng đang đào tạo bài bản về ngành bán dẫn như Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ tư, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm ước tính vào khoảng 22 triệu tấn, thuộc nhóm nước có nhiều đất hiếm nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm là nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng ví như bán dẫn.
Đương đầu với không ít thách thức
Mặc dù Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn, nhưng trong con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cũng đương đầu với không ít thách thức, Phó Tổng giám đốc Viettel phân tích:
Thứ nhất, công nghiệp bán dẫn là công nghiệp hạn chế tiếp cận từ phần mềm hỗ trợ thiết kế cho đến máy móc, vật liệu cũng như quy trình sản xuất.
Thứ hai, đây là ngành đòi hỏi có nguồn nhân lực chất lượng cao, mang đặc thù ngành rất cao từ khâu sản xuất đến khâu thiết kế. Trong sản xuất, ngành này đòi hỏi kỹ sư vận hành phải có nhiều năm kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam. Tuy Việt Nam hiện đang có 5.000 kỹ sư nhưng thiết kế mới chỉ ở công đoạn kiểm tra và thử nghiệm, khâu thiết kế chính vẫn được thực hiện chủ yếu ở nước ngoài.
Thứ ba, bởi chi phí nguồn vốn cho đầu tư, vận hành nhà máy bán dẫn rất lớn, khấu hao trong thời gian ngắn, chính vì vậy nên phải tìm được thị trường đầu ra lớn để bù đắp cho chi phí đầu tư của ngành cao. Thị trường đầu ra phụ thuộc vào một số nhà thiết kế chip và sản xuất thiết bị điện tử lớn.
Thứ tư, cần có một hệ sinh thái hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ kết hợp với nhà máy sản xuất chip. Để sản xuất chip cần đến hơn 200 chủng loại thiết bị phụ trợ, hiện tại những khâu cung cấp này ở Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện.
Thông qua ngoại giao để có thể tìm kiếm thêm cơ hội phát triển ngành bán dẫn
Hiện nay, những nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển hàng đầu thế giới là những nước có mối quan hệ chính trị sâu rộng, chân thành, đáng tin cậy với Việt Nam. Chuỗi cung ứng bán dẫn trong thời gian vừa rồi có nhiều yếu tố đứt gãy do đại dịch COVID-19, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Nhóm các quốc gia này đang thực hiện tái cấu trúc cung ứng bán dẫn toàn cầu thông qua hoạt động trao đổi hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết thông qua các khung hợp tác song phương đa phương chặt chẽ, chính vì vậy vai trò của ngoại giao rất quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Việt Nam chính vì vậy đã tranh thủ thông qua ngoại giao để có thể tìm kiếm thêm cơ hội phát triển ngành bán dẫn. Theo Phó Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, những nỗ lực này đã được thể hiện qua loạt động thái bao gồm:
Ngay từ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu tái cấu trúc, Bộ Ngoại giao đã chủ động nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với Hiệp hội Bán dẫn Hoa Kỳ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều nguồn thông tin quý báu từ phía bạn.
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu độc lập từ phía Bộ Ngoại giao cũng đã giúp cho doanh nghiệp có thêm thông tin để xác định được chiến lược tham gia ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Vào tháng 9/2023, mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện, trong đó bao gồm nội dung cùng hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cụ thể là ngành công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ, nhiều biên bản ghi nhớ giữa các bộ ban ngành Việt Nam như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giáo dục Đào Tạo với các tập đoàn bán dẫn Mỹ sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn cho Việt Nam.
Ngoài ra, cuộc tọa đàm về với 10 doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Nhật Bản với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 16/12 vừa qua đã mở ra thêm cơ hội hợp tác về bán dẫn giữa doanh nghiệp hai nước.
Cuối cùng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức nhiều sự kiện quốc tế, hội nghị và triển lãm trong nước về ngành bán dẫn. Hội nghị cấp cao kinh tế Việt Nam, hội nghị cấp cao về ngành bán dẫn Việt Nam, các sự kiện đã giúp kết nối các doanh nghiệp có thêm cơ hội hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel khẳng định quan điểm mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ban ngành trung ương, Bộ Ngoại giao để cụ thể hóa các cơ hội hợp tác, kết nối và huy động các nguồn lực quốc tế trong việc phát triển ngành bán dẫn.