Ngày 13-8 (giờ địa phương), tại Trung tâm Đông-Tây ở Honolulu (Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu với tựa đề “Tầm nhìn của Mỹ về can dự vào châu Á-Thái Bình Dương” nhằm khép lại chuyến công du châu Á một tuần kể từ ngày 7-8 (Afghanistan, Myanmar, Úc, đảo quốc Solomon và Honolulu).
Theo trang web Bộ Ngoại giao Mỹ, trong bài phát biểu, ông John Kerry nhấn mạnh an ninh và thịnh vượng của Mỹ ngày càng gắn kết chặt chẽ với châu Á-Thái Bình Dương và đó là lý do năm 2009 Tổng thống Obama tuyên bố chiến lược xoay trục về khu vực này.
Ông ghi nhận châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước bốn cơ hội lớn: Tạo tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy hợp tác khu vực và trao quyền lực cho người dân.
Các cơ hội này chỉ có thể được thực hiện thông qua một trật tự khu vực bảo đảm các nước dù lớn hay nhỏ đều có tiếng nói trong phương thức hợp tác ứng phó các thách thức chung.
Ngoại trưởng John Kerry phát biểu tại Trung tâm Đông-Tây ở Honolulu ngày 13-8. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ
Liên quan đến biển Đông và biển Hoa Đông, ông cho rằng cần biến tranh chấp biển thành cơ hội hợp tác khu vực.
Ông giải thích tranh chấp không chỉ là vấn đề chủ quyền đối với các đảo, bãi đá, đá ngầm và lợi ích kinh tế kèm theo mà còn là vấn đề lẽ phải thuộc về kẻ mạnh hay các quy tắc, chuẩn mực toàn cầu và luật pháp quốc tế sẽ thắng.
Ông nói không thể áp đặt giải pháp nào cho các bên tranh chấp nhưng sự kiện Indonesia và Philippines nhất trí phân chia ranh giới biển là ví dụ cho thấy tranh chấp có thể được giải quyết bằng đàm phán có thiện chí.
Về quan hệ Mỹ-Trung, kênh truyền hình ABC News (Mỹ) đưa tin Ngoại trưởng John Kerry đã ghi nhận căng thẳng Mỹ-Trung là rõ ràng nhưng chưa chính thức công nhận, dù vậy quan hệ này vẫn rất quan trọng để duy trì ổn định và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông xác định trong các ưu tiên trong chiến lược chuyển trục sang châu Á-Thái Bình Dương có vấn đề tập trung tăng cường quan hệ đối tác Mỹ-Trung.
Ông nhấn mạnh Mỹ cam kết tránh rơi vào bẫy đối đầu chiến lược, hướng tới xây dựng quan hệ mở rộng hợp tác vì lợi ích chung và quản lý các khác biệt theo hướng xây dựng. Mối quan hệ mới mang tính xây dựng sẽ chỉ được xác định thông qua hành động tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực.
Ông nhận xét xây dựng quan hệ tốt hơn với Trung Quốc là điều không dễ dàng nhưng dù vậy cũng không thể tránh khỏi. Ông hài lòng về một số lĩnh vực hợp tác Mỹ-Trung hiện tại, trong đó có chương trình hạt nhân Iran, giải trừ vũ khí hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình tại Nam Sudan.
LÊ LINH - DUY KHANG
Sau hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng Úc-Mỹ ở Sydney (Úc) ngày 12-8, nguyên Thủ tướng Úc Malcolm Fraser tuyên bố với liên minh Mỹ-Úc, Úc sẽ bị Mỹ lôi kéo vào chiến tranh với Trung Quốc và Úc mất dần khả năng đưa ra chiến lược riêng. Báo Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin ngày 14-8, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố ông không nghĩ sẽ xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung và sẽ là sai lầm nếu nhận xét Mỹ tiếp cận châu Á-Thái Bình Dương sẽ gây nguy hiểm cho Úc. Ông khẳng định Mỹ can thiệp ở châu Á-Thái Bình Dương và phản đối sai trái của Trung Quốc nhằm giảm nguy cơ xung đột vũ trang. ____________________________________ Mỹ phản đối sử dụng biện pháp đe dọa, ép buộc hay vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền. Mỹ cũng kiên quyết phản đối ý kiến nào cho rằng chỉ có nước lớn mới có quyền cho phép nước nhỏ tự do đi lại trên biển, trên không và sử dụng hợp pháp các vùng biển hay không phận… Các bên tranh chấp dù nước lớn hay nhỏ đều phải hợp tác giải quyết tuyên bố chủ quyền thông qua các phương cách hòa bình. Ngoại trưởng Mỹ JOHN KERRY |