Ngồi tại nhà nhắn tin trực tuyến với cán bộ quận Bình Tân

Ngày 28-5, UBND quận Bình Tân, TP.HCM đã ra mắt ứng dụng “Hỗ trợ trực tuyến”, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện tra cứu hồ sơ, tìm hiểu thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ ngay tại nhà, tại doanh nghiệp, mà không cần phải đến trụ sở.

Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết ứng dụng này hỗ trợ cho người dân trong thời điểm có dịch COVID-19. Ảnh: LÊ THOA

Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân được khuyên không tập trung đông người, hạn chế ra khỏi nhà, thì ứng dụng “Hỗ trợ trực tuyến” sẽ hỗ trợ tối đa việc giải đáp thắc mắc về thủ tục cho người dân.

Theo bà Diệu, với ứng dụng này, người dân có thể đặt câu hỏi, trao đổi trực truyến bằng tin nhắn. Bởi đây là ứng dụng được xây dựng trên nền trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế cho cán bộ, công chức để tư vấn, trả lời tin nhắn của cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục hành chính với nội dung trả lời, kịch bản dựng sẵn. 

Ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Ảnh: LÊ THOA

“Đối với những câu hỏi đơn giản thì ứng dụng sẽ tự trả lời, còn với các câu hỏi phức tạp hơn, ứng dụng ghi nhận để các cơ quan thẩm quyền trả lời và bổ sung vào kịch bản” – bà Diệu nói và khẳng định ứng dụng sẽ tự học để đưa ra những câu trả lời chính xác và phù hợp với thực tế hơn. 

Đồng thời, dịp này, quận Bình Tân cũng ra mắt ứng dụng “Công chức trực tuyến Bình Tân”. Đây là ứng dụng được sử dụng trên thiết bị di động thông minh nhằm hỗ trợ cho công chức, viên chức xử lý công việc hằng ngày. 

Ứng dụng “Công chức trực tuyến Bình Tân” giúp cán bộ trao đổi trực tuyến. Ảnh: LÊ THOA

Ứng dụng sẽ có các nhóm chức năng chính như tiếp nhận, xử lý văn bản đi, đến; tra cứu văn bản đi, đến; tra cứu hồ sơ hành chính; quản lý lịch công tác; thống kê công việc; trao đổi, giao việc trực tiếp; quản lý danh bạ và tiếp nhận các thông báo nội bộ,… 

Từ đó, sẽ giúp cán bộ, công chức nâng cao hiệu quả làm việc, đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin trong quá trình trao đổi. 

Bà Phạm Thị Ngọc Diệu nhìn nhận, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước góp phần đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện giao dịch hành chính công, giám sát chính quyền trong quá trình giải quyết hồ sơ. 

“Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính theo hướng phục vụ nhân dân” – bà Diệu khẳng định. 

Do đó, trong những năm gần đây, UBND Bình Tân đã quan tâm đầu tư và đưa vào sử dụng một số ứng dụng như: ISO điện tử, Bình Tân Công dân số, ứng dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 61 thủ tục và mức độ 4 với 13 thủ tục, niêm yết công khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và các ứng dụng trên nền tảng di động. 

Qua đó, đã tạo thêm kênh tương tác, môi trường cung cấp dịch vụ công hiện đại và có nhiều tiện ích, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân cùng tham gia giám sát.

Từ đó, góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện cải cách hành chính. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới