Ngư dân khốn khổ vì “giã cào bay”

Năm 2008, gần 200 hộ dân xã Tân Thắng bị cào bay cướp lưới với giá trị ước tính gần 1 tỉ đồng.

Nợ chồng nợ chất vì bị cướp lưới

Anh Hoạch kể: “Năm 2006, nguồn tôm cá ven bờ cạn kiệt, để có thể ra khơi xa kiếm cơm, tui gom góp vốn liếng sắm 50 tấm lưới trị giá 40 triệu đồng. Ngay chuyến dong khơi đầu tiên đã bị cào bay sấn tới làm sạch. Tay trắng, tui về vay mượn từ anh em, bạn bè sắm lại và cứ thi thoảng bị cào bay gặm hơn chục tấm. Đến bây giờ nợ mới vẫn chưa trả xong, nói chi nợ cũ”.

Cào bay thường chạy hai chiếc song song, chèn dây điện giữa rồi xỉa giàn cào xuống biển. Giàn cào chạy đến đâu, điện phóng ra tới đó, tôm cá bất kể lớn bé bị điện giật cứ thế mà bám vào giàn cào. “Khi nào bị lốc (trắng lưới), cào bay quay sang cướp lưới của dân thuyền chài để gỡ sở hụi xăng dầu. Bình quân một tấm lưới giá 500.000 đồng nhưng cào bay cướp đem bán phế liệu chưa đến 30.000 đồng bạc”.

Ngư dân khốn khổ vì “giã cào bay” ảnh 1

Sau vụ “giã cào bay”, lực lượng chức năng chỉ đành... ghi nhận.

Tại thôn Thắng Hải (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân), có hơn 50 hộ dân đã và đang điêu đứng vì cào bay. ngư dân Hồ Sinh than thở: “Dân thuyền lưới ai cũng âu lo tột độ vì sợ cào bay xẻ thịt. Năm rồi nhẩm ra tui bị thiệt hại hơn 50 triệu đồng do bị đám xã hội đen này cướp lưới”. Sợ quá, anh Sinh không dám nuôi tham vọng vươn xa mà chỉ loay hoay gần bờ. Anh tiếp tục mạch chuyện trong tiếng thở dài: “Nhiều anh em để tiếp tục dong khơi phải vay nóng, vay ngân hàng, thế chấp tài sản để rồi ôm hận. Lãi mẹ đẻ lãi con, nợ mới chồng chất nợ cũ đã khiến nhiều người tán gia bại sản”.

Những con số kinh hoàng

Tân Thắng và Thắng Hải là hai xã nghèo khó của huyện Hàm Tân. Do đất đai cằn cỗi, bạc màu nên ngày càng nhiều nông dân ở xã bám biển kiếm sống. Trong những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, cho vay vốn lãi suất thấp... tạo điều kiện cho bà con bứt phá vươn lên. Nhưng bao năm qua, cái nghèo, cái khổ vẫn lởn vởn trên vùng đất này. Nguyên nhân chính là do cào bay lộng hành. Bà con ở đây ám ảnh cào bay đến nỗi còn lại vài tay lưới cũng không dám đi biển vì sợ chẳng còn gì. Có hộ phải vay ngân hàng đến lần thứ ba để sắm lưới rồi cũng trắng tay.

Theo thống kê của huyện Hàm Tân, tổng số ghe thuyền ở hai xã Tân Thắng, Thắng Hải là 250 chiếc, riêng xã Tân Thắng có hơn 160 thuyền, chủ yếu là thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ. “Vấn đề ở chỗ dù giá trị không lớn nhưng có thuyền 2-3 hộ phải hùn tiền mới mua được. Năm 2008, qua thống kê sơ bộ cho thấy có gần 200 hộ sống bằng nghề biển ở xã bị cào bay cướp lưới với giá trị ước tính gần 1 tỉ đồng. Vừa rồi có chín hộ ở xã bị cướp trên 100 tấm” - ông Trần Minh Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, trăn trở.

Ngày một lộng hành

Anh Trần Thanh Tâm, Trưởng Công an xã Tân Thắng, cho biết: “Cào bay mỗi lúc càng lộng hành. Không chỉ cướp lưới, cào bay còn sẵn sàng đánh đắm tàu thuyền của ngư dân nếu bị kháng cự.

Bà con nhiều lần gửi đơn cầu cứu nhưng do chúng hoạt động ngoài khơi nên chúng tôi không thể làm gì được. Muốn truy bắt chúng cũng khó, do phương tiện của xã chỉ là tàu máy hai lốc, trong khi đó cào bay toàn sử dụng thuyền có công suất gấp đôi, gấp ba. Khi đụng kiểm ngư, đội quân giã cào đối phó bằng cách chặt đứt giàn cào. Kiểm ngư đi thì chúng trục vớt và tiếp tục gây án”.

Ngư dân khốn khổ vì “giã cào bay” ảnh 2

Tài sản của ngư dân sau khi bị “giã cào bay” oanh tạc.

Ông Đặng Mậu Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thắng, chỉ thẳng: “Đám xã hội đen trên biển này chủ yếu là dân gần đây... Năm 2008, quá bức xúc, bà con dồn sức bắt được ba chiếc và kể từ đó chúng sẵn sàng hành hung khi bị vây bắt. Chúng ra tay ngày một tàn nhẫn nên bà con rất sợ, hễ thấy bóng dáng chúng là tránh xa. Còn nếu chẳng may đụng độ thì tặc lưỡi trách thân mình xấu số. Để tự bảo vệ mình, bây giờ mỗi khi ra khơi bà con phải đi thành nhóm 10-20 người để dễ ứng cứu nếu bị cào bay gây hại. Đi biển mà dàn chùm như vậy thì năng suất đánh bắt rất thấp nhưng nếu neo bờ thì chẳng có gì bỏ bụng”.

Ngay tại thời điểm này, nạn “giã cào bay” vẫn oanh tạc vùng biển Hàm Tân. Trong khi chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng còn loay hoay tìm giải pháp thì nhiều ngư dân ở Tân Thắng, Thắng Hải... đau đớn rao bán ghe thuyền nhưng chẳng ai dám mua. Thế nên hiện tượng ngư dân neo thuyền đi làm thuê ngày càng phổ biến.

NGUYỄN HẢI - NGỌC BẢY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm