Họ yêu cầu cơ quan chức năng trả lại khu vực neo đậu bến thuyền phía đông đường Hồ Xuân Hương (Quảng Cư), giáp khu nghỉ dưỡng của FLC để giao cho đơn vị này xây dựng lại bờ biển.
Ông Nguyễn Hữu Đào (53 tuổi) ở khu phố Trung Kỳ (Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn) cho biết: “Chúng tôi đang bị bắt buộc rời khỏi nơi neo đậu thuyền này để giao cho FLC. Nhưng thử hỏi họ đưa tiền cho người dân chúng tôi 50-70 triệu đồng ăn được mấy tháng. Chúng tôi đề nghị tỉnh trả lại nơi đậu thuyền bè để mưu sinh”.
Dự án quy hoạch phía đông đường Hồ Xuân Hương có tổng vốn đầu tư 315 tỉ đồng. Tỉnh Thanh Hóa thống nhất hình thức BOT, để xây dựng các kiốt, công trình phục vụ du lịch. Hiện tỉnh đã phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư. Theo chỉ đạo của ban lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, dự án này sẽ phải hoàn thành để kịp khai thác du lịch hè Sầm Sơn 2016.
Chiều tối 4-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết đến thời điểm hiện tại tỉnh đã ban hành Quyết định 705 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và phường Bắc Sơn bị ảnh hưởng của dự án.
Khi phóng viên hỏi về việc sau khi ban hành quyết định trên nhưng người dân vẫn tiếp tục yêu cầu trả lại biển, về phía tỉnh đã có hướng như thế nào để giải quyết những vướng mắc yêu cầu của người dân, ông Ngô Hoàng Kỳ cho rằng: “Hiện nay tỉnh vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, còn chính sách thì vẫn là Quyết định 705”.