Người bán dâm thoát nạn đi trường trại

Luật này cũng được QH thông qua với kết quả biểu quyết 85,77% tán thành và 6,61% không tán thành. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.

Bán dâm chỉ bị phạt hành chính

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết đa số ý kiến ĐB nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì biện pháp này và một số ý kiến khác đề nghị đưa cả người mua dâm và người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì mới có tác dụng.

Người bán dâm thoát nạn đi trường trại ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các luật. Ảnh: TTXVN

Họ đã nói

Xin không làm thượng đế của ngành điện

Tôi quan sát thấy giá điện luôn luôn tăng, không bao giờ giảm. Một người dân bảo tôi nếu cứ độc quyền của ngành điện thì người dân xin không bao giờ là thượng đế của ngành điện nữa. Bởi vì ngành điện muốn làm gì, cắt điện lúc nào cũng được, hỏng điện gọi đến thì rất nhiều lý do, chữa chậm. Cho nên tôi đề nghị Chính phủ quan tâm rút ngắn lộ trình độc quyền của ngành điện để người dân được hưởng lợi.

ĐBQH BÙI THị AN (Hà Nội)

“Việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là để khắc phục tình trạng người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không đúng với bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý. Hơn nữa, áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý. Hành vi của họ chưa đến mức phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền tự do mà chỉ cần phạt tiền như đối với người mua dâm là phù hợp. Vì vậy, đề nghị QH cho bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh” - ông Lý nhấn mạnh.

Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo luật quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 1 tỉ đồng, tăng gấp hai lần so với hiện hành. Tuy nhiên, mức phạt này chỉ được áp dụng trong phạm vi rất hạn hẹp ở một số lĩnh vực như quản lý các vùng biển, đảo, thềm lục địa, quản lý hạt nhân, chất phóng xạ, tiền tệ, ngân hàng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường... Mức phạt tiền xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức được quy định cao hơn mức phạt cá nhân (2 tỉ đồng). Quy định này cũng được QH biểu quyết thông qua với kết quả 87,78% tán thành, 5,81% không tán thành.

Bỏ bớt phí để giá điện khỏi tăng cao

Sáng cùng ngày, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, nhiều ĐB đề nghị cần bỏ bớt các loại phí, nhất là phí điều tiết hoạt động điện lực. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng trong dự thảo và trong Luật Điện lực hiện hành, cơ quan điều tiết điện lực là cơ quan quản lý nhà nước về một số hoạt động của điện lực. “Nếu luật cho phép điều tiết điện lực thu loại phí này liệu có công bằng với các cục, tổng cục khác thuộc Bộ Công Thương cũng tham gia quản lý nhà nước về điện lực như Tổng cục Năng lượng, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp hay không? Với những lý do như trên, tôi đề nghị bỏ phí điều tiết hoạt động điện lực để không làm tăng chi phí sản xuất điện” - bà Trang nói.

Ngoài vấn đề trên, nhiều ĐB cũng đề nghị cần có những quy định về việc công khai, minh bạch về cơ cấu giá điện để Ủy ban Thường vụ QH giám sát theo từng giai đoạn, có thể hằng năm hoặc chu kỳ hai năm một lần. Ngoài ra cần có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội đại diện cho quyền, lợi ích của mình tham gia giám sát giá điện.

Biểu quyết Luật Giám định Tư pháp, QH đã thống nhất thông qua luật này với kết quả 92,99% tán thành và 0,8% không tán thành. Trong đó, QH thống nhất thông qua quy định về tổ chức giám định pháp y theo phương án bổ sung thêm quy định: “Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi”.

Như vậy ngoài các tổ chức giám định pháp y như: Viện Pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm Giám định pháp y tỉnh, TP trực thuộc trung ương (thuộc ngành y tế); Viện Pháp y quân đội Bộ Quốc phòng; Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an sẽ có thêm Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

T.HẰNG - THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm