Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Đây là một điều khoản đúng đắn. Và từ điều khoản đó của luật đó, tôi muốn bàn tiếp câu chuyện của một số người đẹp, người mẫu, ca sĩ, diễn viên tham gia đường dây bán dâm cho các đại gia đã làm nóng mặt báo mới gần đây.
Tên tuổi các cô gái bị phơi bày, hành vi của họ bị bóc trần, lời lẽ của họ bị đăng tải một cách công khai, thản nhiên đến độ thông tin đã bị biến thành một món câu khách, bài báo đã thành ra sự dày vò thân xác phụ nữ. Nói gì thì nói, các cô gái có lầm lỗi, có phạm tội đi nữa thì họ vẫn là con người, lại là người phụ nữ. Hành vi của họ là đáng trách, đáng phê phán, có thể xử phạt hành chính (và thực tế chính quyền cũng đã xử phạt hành chính họ sau mấy ngày xét hỏi rồi cho về). Báo chí đưa tin, phân tích vụ việc là đứng trên góc độ pháp luật, dưới cái nhìn đạo đức, luân lý xã hội và nhà báo phải viết sao cho chính người mắc lỗi cũng như người đọc biết rõ sự việc và thấy rõ căn nguyên, nguồn cơn, hậu quả, chứ không thể và không được lại thêm một lần khiến họ nhục nhã bằng sự thích thú, thỏa mãn khi có một vụ như thế để viết. Không riêng vụ này mà trong nhiều vụ việc khác, nhất là liên quan đến giới biểu diễn, thời trang, người mẫu, tức là những lĩnh vực chủ yếu là phụ nữ hoạt động, cái viết của báo chí vẻ như hay soi mói, tọc mạch, khêu gợi, chứ ít thấy sự thương xót, đồng cảm, để lay động và thức tỉnh chính những người trong cuộc. Thậm chí có những bài báo còn như đẩy người ta xuống hố, xuống bùn thay vì nâng đỡ người ta dậy phục thiện.
Tuy nhiên, trong vụ bán dâm này, các cô gái ngoài chuyện ít nhiều bị xúc phạm trên mặt báo thì họ còn bị xúc phạm hơn nữa bởi quyết định không công bố tên tuổi người mua dâm. Sự việc, hiện tượng nào cũng có hai phía, hai mặt. Có người bán dâm là vì có người mua dâm, tức là có cung vì có cầu. Người mua dâm ở đây với giá lên tới hàng nghìn đôla là những đại gia và chính quyền cũng đã điều tra, đã nắm được nhân thân. Những kẻ đó chính là một bên cấu thành của tội lỗi, nếu không nói họ chính là nguyên nhân của tội lỗi. Họ chủ động mua dâm, tìm kẻ môi giới, dẫn dắt gái bán dâm. Vậy tại sao các cô gái thì bị bêu tên, bêu ảnh lên các phương tiện truyền thông đại chúng, bị phơi trần toàn bộ cuộc sống, đời riêng ra trước con mắt soi mói của bàn dân thiên hạ, còn những kẻ đàn ông đã mua thân xác họ, đã biến họ thành món hàng, đồ chơi, lại được ẩn mặt, giấu tên tuổi, danh tính? Bình đẳng nam nữ, bình đẳng giới ở đâu khi mà trong chuyện tủi nhục quan hệ tình dục lén lút, bất hợp pháp thì đàn ông được bao che, còn phụ nữ phải gánh chịu ê chề? Thử hỏi những kẻ đàn ông mua dâm mà mặt mũi họ tên bị trưng chềnh ềnh ra thế thì có chịu nổi không, có nhục nhã không?
Hãy coi đó là tội ác. Việc bán dâm của một số người mẫu, người đẹp là tội lỗi. Nhưng việc viết về họ một cách thích thú, thiếu tính nhân văn là tội ác. Việc che giấu tên tuổi những gã đàn ông mua dâm là tội ác. Tôi đề nghị các cơ quan pháp luật từ nay mỗi khi phát hiện một vụ mua bán dâm thì nếu đã công khai kẻ phạm tội hãy công khai cả bên mua bên bán, mà trước nhất là bên mua.
PHẠM XUÂN NGUYÊN