Người bệnh “né” trạm y tế vì thiếu thuốc

(PLO)- Do hầu hết trạm y tế trên địa bàn TP.HCM thiếu nhiều thuốc bảo hiểm y tế nên người dân mắc các bệnh mạn tính không lây tìm tới bệnh viện cho dù phải đi xa và tốn nhiều thời gian hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

8 giờ 30 ngày 28-12, tại khu vực khám bảo hiểm y tế (BHYT) của BV Nguyễn Trãi (TP.HCM), nhiều bệnh nhân đa phần lớn tuổi chờ tới lượt khám. Không ít người có lẽ đã đợi lâu nên tranh thủ đứng lên ngồi xuống, tập vài động tác đơn giản cho đỡ mỏi lưng, giãn gân cốt.

Thiếu thuốc, trạm y tế vắng bệnh nhân

Bà TTH (56 tuổi, quận 5, TP.HCM) phàn nàn: “Tôi canh đi từ sớm mà giờ vẫn chưa tới lượt vì người bệnh đông quá!”. Bà H cho hay bà mắc bệnh tiểu đường lâu nay, mỗi tháng phải tới BV Nguyễn Trãi tái khám và nhận thuốc theo diện BHYT. Do nhiều người mắc bệnh như bà cũng tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ (BS) nên tập trung cùng lúc khá đông, việc phải chờ đợi là không tránh khỏi.

Bệnh viện luôn đông bệnh nhân do người bệnh dồn về từ tuyến cơ sở. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bệnh viện luôn đông bệnh nhân do người bệnh dồn về từ tuyến cơ sở. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Cách đây chừng một tháng có người khuyên tôi nên đến trạm y tế (TYT) gần nhà khám và nhận thuốc cho tiện, khỏi mất công ngồi chờ. Nghe hợp lý tôi làm theo nhưng đành quay về vì nhân viên TYT nói thuốc BHYT điều trị tiểu đường không có, cũng không biết đến khi nào mới có. Vậy là tôi đành quay lại BV Nguyễn Trãi dù từ nhà đến đây khá xa và lần nào cũng phải chờ” - bà H giãi bày.

Còn ông TPL (62 tuổi, quận 3, TP.HCM) do mắc bệnh huyết áp nên thường xuyên tái khám. Trước đây, ông được con chở tới BV quận 3 khám và nhận thuốc BHYT định kỳ nhưng do bệnh nhân đông, chờ đợi lâu khiến ông mệt mỏi. “Cách đây hai ngày, tôi tới TYT phường 5, quận 3 tính khám cho gần nhưng BS ở trạm nói thuốc BHYT điều trị huyết áp không còn, tôi phải kêu con chở tới BV quận 3” - ông L chia sẻ.

Để giải quyết bài toán thiếu thuốc, TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế chấp thuận cho TP triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc BHYT cho TYT đối với 40 loại thuốc thuộc danh mục thuốc của BV hạng 3, hạng 4 theo Thông tư 30/2018 của Bộ Y tế.

BS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

BS Lê Thị Hồng (TYT phường 5, quận 3) cho biết thuốc BHYT điều trị các bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, huyết áp… hiện không còn và tình trạng này xảy ra đã khá lâu, không biết khi nào có lại. “Trước đây, trung bình một tháng TYT khám cho khoảng 200 lượt bệnh nhân BHYT. Thời gian gần đây, do nhiều loại thuốc BHYT không còn nên mỗi tháng trạm chỉ khám chừng 40-50 lượt bệnh nhân” - BS Hồng cho biết.

Qua thực tế, PV ghi nhận nhiều TYT phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM cũng rơi vào tình trạng thiếu thuốc BHYT điều trị các bệnh mạn tính không lây.

Đang chờ Bộ Y tế “hóa giải”

Sáng 30-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Về nguyên nhân thiếu thuốc BHYT tại các TYT hiện nay, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh có hai lý do chính. Thứ nhất, thuốc sử dụng tại TYT hầu hết do các trung tâm y tế quận, huyện thực hiện đấu thầu mua sắm đối với 324 hoạt chất được Bộ Y tế quy định thuộc danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả tại TYT (theo Thông tư 30/2018 của Bộ Y tế). Tuy nhiên, nhân lực của trung tâm y tế vừa thiếu về số lượng vừa thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh đó nhu cầu sử dụng thuốc của từng trung tâm y tế rất thấp nên ít nhà thầu tham gia cung ứng.

Thứ hai, danh mục thuốc theo phân tuyến kỹ thuật được Quỹ BHYT chi trả tại TYT chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, tại Thông tư 30/2018 của Bộ Y tế, quy định danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả tại TYT hiện nay có 324 loại. Trong đó, danh mục thuốc cho các bệnh mạn tính không lây có khoảng 50 loại.

“Nếu so với danh mục thuốc tại BV tuyến quận, huyện thì TYT đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có 41 loại được hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM đánh giá là rất cần thiết. Do đó, khi đã điều trị ổn định tại BV, người bệnh có nhu cầu tiếp tục theo dõi và điều trị tại các TYT thì nơi đây lại không đủ thuốc đáp ứng. Lúc này, người bệnh buộc phải tiếp tục đến khám và điều trị ngoại trú tại các BV” - BS Châu nêu.

Khảo sát của ngành y tế TP.HCM cho thấy gần 78% người cao tuổi mắc các bệnh không lây mong muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại TYT phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, do các TYT thiếu nhiều loại thuốc BHYT nên mong muốn của người bệnh không thành hiện thực. “Theo số liệu của BHXH TP.HCM, từ năm 2018 đến nay, tỉ lệ khám chữa bệnh tại các TYT trên địa bàn TP chiếm dưới 2% so với các BV quận, huyện mà nguyên nhân chính là do TYT thiếu thuốc BHYT” - BS Châu nhấn mạnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ kiến nghị trung ương

Tại buổi giám sát sáng 30-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận ý kiến của Sở Y tế TP liên quan kiến nghị Bộ Y tế chấp thuận cho TP.HCM triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc BHYT cho các TYT phường, xã, thị trấn nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc BHYT nêu trên. Đoàn giám sát cũng sẽ đưa vấn đề này vào báo cáo để kiến nghị trực tiếp với trung ương.

VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm