Theo lộ trình tính đúng, tính đủ thì 7/7 chi phí (thêm ba chi phí nữa là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học) sẽ thực hiện sau năm 2018.
Năm 2015 sẽ tính bốn yếu tố viện phí, trong đó yếu tố tiền lương, phụ cấp của nhân viên y tế sẽ được tính vào giá dịch vụ, mà giá này chính người bệnh và cộng đồng xã hội (đóng góp theo kiểu người mạnh khỏe chia sẻ cho người ốm đau) chi trả. Như vậy, ngay bây giờ cần thay đổi khái niệm xin-cho, ban phát từ trong nhận thức; nhân viên y tế, bệnh viện không là ông chủ mà phải xem người bệnh là trung tâm, người bệnh là ông chủ của bệnh viện và nhân viên y tế là người phục vụ - làm công.
Nhưng nhìn tổng thể môi trường khám, chữa bệnh hiện nay ở các bệnh viện công lập, việc người bệnh trả tiền cho nhân viên y tế nhưng họ có được đối xử như ông chủ hay không?
Bệnh viện, nhân viên y tế - người làm công cũng chẳng phải là thần thánh gì khi trong một buổi, một ngày giải quyết được hết sự hài lòng và chất lượng cho ngần 3.000-7.000 ông chủ trong một bệnh viện. Vẫn có sự cằn nhằn của nhân viên y tế, vẫn có sự cố máy móc, vẫn có sai sót y khoa… Vậy việc hô khẩu hiệu tăng viện phí đi đôi với tăng chất lượng làm gì nếu không cải thiện được quá tải và nhận thức nhân viên y tế?
Chất lượng dịch vụ y tế là sự hài lòng của bệnh nhân trong tư vấn, khám, chẩn đoán, cho thuốc và điều trị, kể cả bãi giữ xe cũng phải thuận tiện, nhà vệ sinh cũng phải sạch sẽ... Nhưng thực tế thì bệnh nhân được khám qua loa 2-3 phút, được tư vấn sơ sài, được cho thuốc loạn xì ngầu. Nếu lãnh đạo liên quan có bệnh thì thử đến bệnh viện nhà nước chứ đừng ra nước ngoài, ở đó sẽ thấy ông chủ được người làm phục vụ ra sao.
Những lý do tính đúng, tính đủ giá viện phí được đưa ra là nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, thay vì người dân móc túi trả tiền thì cơ quan BHXH sẽ trả thay. Người nào không tham gia BHYT sẽ phải gánh chịu thiệt thòi khi bị bệnh tật. Điều này hoàn toàn hợp lý trong một xã hội phát triển. Nhưng ở góc độ khác, khi thúc đẩy mạnh xã hội hóa y tế, Nhà nước không còn bao cấp nữa thì các đơn vị y tế thực hiện tự chủ và họ sẽ tự thu, chi, tức lời ăn, lỗ chịu. Mặt trái khi các bệnh viện tự chủ và thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản hay còn gọi là định suất (thí dụ, bệnh viêm phổi quy định điều trị năm ngày, tổng chi phí 10 triệu đồng…) thì bệnh viện sẽ siết rất chặt chi phí cho bệnh nhân, siết ngay cả việc chỉ định của bác sĩ. Bởi theo quy định, nếu gói y tế còn dư thì bệnh viện hưởng, lỗ thì phải bù vào, bác sĩ nào chỉ định quá tay tự móc tiền túi bù vô. Tiền lương nhân viên y tế được người bệnh trả, tiền dư bệnh viện “tiết kiệm” thì được xài.
Vậy người bệnh sẽ lợi gì khi tăng giá dịch vụ y tế? Ngành y tế sẽ nói ngay là được tăng chất lượng phục vụ vì các bệnh viện sẽ có tiền đầu tư, trả lương cho nhân viên y tế. Nhưng người bệnh có được hài lòng không khi phân tích như trên? Thực sự, người bệnh đâu có được là ông chủ, dù là người trả tiền, phát lương!